Thị trường hàng hóa
Những “ứng viên” đặc biệt được tuyển dụng vào viện dưỡng lão của thành phố Kitakyushu phải dưới 4 tuổi và có người giám hộ đi cùng. Người giám hộ phải thay mặt các bé ký một hợp đồng quy định rõ trẻ có thể đến làm việc “bất cứ khi nào chúng cảm thấy thích”. Hợp đồng quy định rõ rằng các bé được phép nghỉ ngơi “mỗi khi cảm thấy đói, buồn ngủ hoặc tùy thuộc vào tâm trạng cá nhân”.
Kimie Gondo, người đứng đầu viện dưỡng lão cho biết, đến nay đã có hơn 30 em bé đăng ký tham gia chương trình này. Các em được giao nhiệm vụ hỗ trợ đời sống tinh thần của hơn 100 người cao tuổi, hầu hết họ đều ở độ tuổi ngoài 80. “Chỉ nhìn thấy những đứa trẻ sơ sinh thôi cũng khiến các cụ già của chúng tôi mỉm cười. Các bé không bị ràng buộc kỷ luật bởi bảng chấm công hay bất cứ thứ gì”, cô Gondo chia sẻ.
Một quảng cáo tuyển dụng được ghim trên tường tại cơ sở dưỡng lão này có nội dung "Chúng tôi đang tuyển dụng!" bằng các ký tự lớn. Đồng thời, thông báo ghi rõ các “ứng viên” sẽ được trả công bằng tã và sữa bột.
Nhiệm vụ chính và có lẽ là duy nhất của các em bé là “đi dạo” quanh viện dưỡng lão cùng người giám hộ. “Các em bé ở với mẹ mọi lúc. Việc này giống như chúng đang được đưa đi dạo trong công viên”, cô Gondo nói thêm.
Những người cao tuổi tỏ ra vô cùng vui mừng trước sự xuất hiện của các em bé. Họ chủ động chào hỏi, bắt chuyện và muốn được trao cho các em những cái ôm. "Chúng rất dễ thương, khiến tôi nhớ lại khi tôi còn đang nuôi dạy con cái”, một người cao tuổi trong viện dưỡng lão nói.
Theo cô Gondo, cho đến nay chương trình đã đạt được kết quả tích cực ngoài mong đợi. “Một số trẻ rất hòa thuận với các cụ già, giờ đây họ giống như những người ông, người bà thực sự của các em”.
Nhật Bản là quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới. Chính phủ nước này đang tìm cách cải thiện tỷ lệ sinh trong bối cảnh dân số giảm và xã hội đang già hóa. Theo ước tính, đến năm 2060 tỷ lệ người già trên 65 tuổi ở Nhật Bản sẽ chiếm gần 40% tổng dân số. Trong khi tỷ lệ này chỉ ở mức 23% vào năm 2010.
Già hóa dân số dẫn đến lực lượng lao động suy giảm khiến Nhật Bản phải đối mặt với hàng loạt các thách thức ảnh hưởng trực tiếp đến kinh tế. Lực lượng lao động phải gồng mình gánh vác hệ thống thuế và an sinh xã hội. Theo số liệu thống kê của Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản, cả nước chỉ có hơn 800.000 trẻ sơ sinh chào đời trong năm 2021, giảm gần 30.000 trẻ so với 1 năm trước đó.
Nguyên nhân của điều này xuất phát từ việc số lượng người trẻ thờ ơ với việc lập gia đình ở Nhật Bản ngày càng gia tăng. Báo cáo về giới năm 2022 của Văn phòng Nội các Nhật Bản thống kê 25,4% phụ nữ và 26,5% nam giới ngoài 30 tuổi ở đất nước Mặt trời mọc chia sẻ rằng họ không muốn kết hôn.
ĐANG HOT
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm