Thị trường hàng hóa
Trong thị trường lao động ở Singapore, nguồn nhân lực đến từ nước ngoài chiếm tỉ lệ lớn. Tuy nhiên, khi đại dịch Covid-19 bùng phát, số lượng lao động dạng này tại quốc gia Đông Nam Á đã giảm khoảng 235.700 người trong thời gian từ tháng 12/2019 đến tháng 9/2021.
Một tin tuyển dụng gần đây lan truyền trên mạng xã hội cho biết có một nhà hàng sẵn sàng trả thù lao rất cao cho một nhân viên rửa bát. Tuy nhiên, không nhiều người Singapore cảm thấy mặn mà với công việc này
Covid-19 cùng các biện pháp phòng chống dịch bệnh hiệu quả đã phần nào thúc đẩy "tốc độ áp dụng công nghệ và tự động hóa" của các công ty Singapore trong khoảng thời gian khó khăn. Theo báo cáo vào năm 2021 của Liên đoàn robot quốc tế (IFR), tại Singapore, cứ 10.000 nhân viên trong ngành sản xuất thì có 605 robot được lắp đặt. Đó là con số cao thứ hai trên toàn cầu, chỉ sau 932 của Hàn Quốc.
Trên thực tế, mật độ robot của Singapore đã tăng trung bình 27% mỗi năm kể từ 2015. Về bản chất, đảo quốc sư tử coi robot là một giải pháp cho vấn đề dân số và nguồn lao động.
Sau khi gặp khó khăn trong việc tìm kiếm nhân viên trong đại dịch, càng ngày càng nhiều doanh nghiệp ở Singapore chuyển sang triển khai robot để làm những công việc khác nhau, từ khảo sát địa điểm xây dựng cho đến quét giá sách trong thư viện…
Tại Thư viện Quốc gia Singapore, nơi đây đã giới thiệu hai robot đọc giá sách với khả năng quét trên 100.000 cuốn sách mỗi ngày. “Nhân viên không cần phải đọc nhãn dán trên từng quyển sách, một công việc đòi hỏi nhiều thời gian và nhân lực khi số lượng sách trong thư viện ngày càng nhiều”, Lee Yee Fuang, trợ lý giám đốc tại Thư viện Quốc gia Singapore, cho hay.
Ngoài ra, ở Singapore, robot cũng đang được sử dụng cho các nhiệm vụ tiếp đón khách hàng tại Singapore với hơn 30 ga tàu điện ngầm được thiết lập để pha cà phê. Keith Tan, Giám đốc điều hành của công ty AI Crown Digital - công ty đã tạo ra robot pha cà phê, cho rằng việc tạo ra robot “barista” đã giúp giải quyết những khó khăn trong ngành thực phẩm và đồ uống, đồng thời mở ra những vị trí được trả lương cao như kỹ sư vận hành robot. Tuy nhiên, một số người dùng thử dịch vụ vẫn ưa thích sự tương tác giữa con người với nhau.
Như đã đề cập ở trên, nhiều doanh nghiệp Singapore áp dụng robot vào hoạt động kinh doanh, sản xuất. Việc sử dụng robot, đặc biệt là robot bốn chân (Spot), sẽ “tiết kiệm” đáng kể nguồn nhân lực. Bởi hiệu suất làm việc của Spot tương đương với một nhân viên. Do đó, một công việc vốn cần hai nhân viên để thực hiện, nay chỉ cần một nhân viên và một “nhân lực” Spot.
Michael O'Connell, chuyên gia trong lĩnh vực robot, nhận định: “Việc thay thế nhu cầu nhân lực tại chỗ bằng giải pháp tự động hóa đang thực sự thu hút các công ty, doanh nghiệp”. Ông O’Connell cũng tính toán rằng tình trạng thiếu nhân lực ngoại quốc vẫn sẽ tồn tại do dịch Covid-19 vẫn chưa hoàn toàn qua đi.
Nhìn chung, các công ty, đặc biệt là các công ty hậu cần và chuyển phát, đang tự động hóa hoạt động kinh doanh của họ để đối phó với tình trạng thiếu lao động. Trên toàn cầu, các doanh nghiệp dự kiến sẽ đầu tư 36 tỷ USD cho “nhân lực” robot, tăng 20% so với năm 2020.
Tag
ĐANG HOT
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm