Thị trường hàng hóa
Theo báo cáo từ Cục Thống kê Hà Nội, tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn Thủ đô trong 10 tháng đầu năm 2024 là 425,2 nghìn tỷ đồng (đạt 104,1% dự toán) và tăng 21,8% so với cùng kỳ năm trước.
Cụ thể, thu nội địa đạt 398,7 nghìn tỷ đồng (tương đương 105,3% dự toán), tăng 22,5% so với cùng kỳ năm 2023. Thu từ dầu thô là 3,2 nghìn tỷ đồng (đạt 105,1% dự toán), giảm 17,9%. Trong khi đó, thu từ hoạt động xuất nhập khẩu là 23,1 nghìn tỷ đồng (đạt 85,6% dự toán), tăng 17,8%.
Trong thu nội địa 10 tháng đầu năm 2024, một số lĩnh vực thu chủ yếu ghi nhận mức tăng trưởng đáng kể.
Thu từ doanh nghiệp Nhà nước đạt 65,1 nghìn tỷ đồng (đạt 92,3% dự toán), tăng 9,2% so với cùng kỳ năm trước. Khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đạt 26,7 nghìn tỷ đồng (đạt 99,9% dự toán), tăng 10,9%. Thu từ khu vực doanh nghiệp ngoài Nhà nước đạt 79 nghìn tỷ đồng (đạt 100,6% dự toán), tăng 22,2%. Đối với thuế thu nhập cá nhân, thu 42,6 nghìn tỷ đồng (đạt 103,9% dự toán) và tăng 25,9%. Tiền sử dụng đất thu đạt 33,3 nghìn tỷ đồng (đạt 92,3% dự toán) và gấp hơn 4 lần so với cùng kỳ. Thu lệ phí trước bạ đạt 6,1 nghìn tỷ đồng (tương đương 93,3% dự toán), tăng 14,5%. Thu từ phí và lệ phí là 20,1 nghìn tỷ đồng (đạt 103,3% dự toán), tăng 26,4%.
Cũng trong 10 tháng đầu năm 2024, chi ngân sách địa phương là 79,1 nghìn tỷ đồng (đạt 54,0% dự toán), tăng 20,9% so với cùng kỳ năm 2023. Bao gồm chi đầu tư phát triển là 35,5 nghìn tỷ đồng (đạt 45,0% dự toán), tăng 27,9% và chi thường xuyên là 42,9 nghìn tỷ đồng (đạt 74,2% dự toán), tăng 15,5%.
Bên cạnh công tác thu chi ngân sách, Hà Nội cũng chú trọng phát triển tín dụng ngân hàng, đảm bảo các tổ chức tín dụng trên địa bàn tuân thủ nghiêm ngặt quy định lãi suất của Ngân hàng Nhà nước trong tháng 10.
Hiện tại, lãi suất cho vay bình quân của các ngân hàng thương mại trong nước cho các khoản vay còn dư nợ dao động từ 6,8-9,2%/năm. Đối với các khoản vay ngắn hạn bằng VND trong các lĩnh vực ưu tiên như nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa, công nghiệp hỗ trợ, và công nghệ cao, lãi suất bình quân đạt khoảng 3,6%/năm, thấp hơn mức trần lãi suất cho vay ngắn hạn do ngân hàng nhà nước quy định (4%/năm).
Đối với lãi suất tiền gửi, có sự phân chia rõ rệt theo kỳ hạn, phổ biến ở mức 0,2-0,5%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng; 2,4-4,2%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng; 4,3-5,8%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng; kỳ hạn từ 12 tháng trở lên ở mức 5,8-7,0%/năm.
Về hoạt động huy động vốn tháng 10/2024, tổng nguồn vốn huy động của các tổ chức tín dụng trên địa bàn Thành phố ước tính đạt 5.692 nghìn tỷ đồng, tăng 0,56% so với cuối tháng trước và tăng 6,68% so với thời điểm kết thúc năm 2023, riêng tiền gửi lên tới 5.005 nghìn tỷ đồng.
Về hoạt động tín dụng, tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn thành phố tháng 10/2024 đạt 4.153 nghìn tỷ đồng, tăng 0,61% so với cuối tháng trước và tăng 14,83% so với cuối năm 2023. Cụ thể dư nợ ngắn hạn đạt 1.785 nghìn tỷ đồng, tăng 0,62% và tăng 8,64%; dư nợ trung và dài hạn đạt 2.368 nghìn tỷ đồng, tăng 0,60% và tăng 12,11% so với cuối năm 2023.
Trong tổng dư nợ (tính đến cuối tháng 10/2024), tỷ lệ nợ xấu của các tổ chức tín dụng chiếm 1,81%. Với dư nợ cho vay theo các chương trình tín dụng trên địa bàn thành phố gồm: chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp chiếm 13,68% trong tổng dư nợ cho vay nền kinh tế; cho vay doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm 18,89%; chương trình nông nghiệp, nông thôn chiếm 8,93%; cho vay xuất khẩu chiếm 5,14%; cho vay công nghiệp hỗ trợ chiếm 2,32%; cho vay doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao chiếm 0,35%; và cho vay chính sách xã hội chiếm 0,43%.
Tag
ĐANG HOT
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm