Thị trường hàng hóa
Ông Vũ Anh Dũng, Phó trưởng Phòng phát triển nhà và thị trường bất động sản, Sở Xây dựng TP.HCM, cho hay năm 2022, TP có 2 dự án nhà ở mới được chấp thuận chủ trương đầu tư, năm 2023 có 7 dự án, nhưng đến quý I/2024 chỉ có 1 dự án nhà ở được chấp thuận chủ trương đầu tư là dự án Trung tâm Thương mại, dịch vụ, căn hộ cao cấp Rita Võ (quận 5).
Còn nguồn cung hiện tại đến từ những dự án đã mở bán trước đó.
Còn theo thống kê của DKRA, trong 2 tháng đầu năm nay, thị trường căn hộ tại TP.HCM và vùng phụ cận (Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An và Tây Ninh) không ghi nhận thêm dự án mở bán mới. Nguồn cung thị trường đến từ 6 dự án, nhưng tất cả đều thuộc giai đoạn mở bán tiếp theo.
Theo đó, nguồn cung căn hộ tại TP.HCM chiếm đa số với hơn 300 căn. Gần 140 căn còn lại chủ yếu tập trung tại Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu. Như vậy, số lượng căn hộ mở bán trong 2 tháng đầu năm 2024 vẫn giảm 34% so với cùng kỳ năm 2023.
Nguyên nhân dẫn đến nguồn cung mới thấp, theo đại diện Sở Xây dựng TP.HCM là do những vướng mắc pháp lý. Nhiều dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư còn vướng các thủ tục về nghĩa vụ tài chính, đất đai, quy hoạch, thậm chí có dự án phải rà soát lại pháp lý dự án, nguồn gốc đất...
Do đó, khi Sở Xây dựng tiếp nhận và xem xét thì các dự án nhà ở thuộc các trường hợp này sẽ không đáp ứng đủ điều kiện huy động vốn. Điều này cho thấy nguồn cung trong thời gian tới sẽ tiếp tục khó khăn, và người mua nhà ở TP.HCM có thể vẫn sẽ ở trong tình trạng “mò trăng đáy nước”.
Từ diễn biến thực tế, các chuyên gia nhận định cần tiếp tục đẩy mạnh tháo gỡ vướng mắc về pháp lý cho các doanh nghiệp để tăng tiến độ dự án, cải thiện nguồn cung cho thị trường.
Ông David Jackson, Tổng Giám đốc Avison Young Việt Nam, nhận định rất khó để kỳ vọng giá nhà giảm, nhưng nếu “những nỗ lực cân bằng thị trường bất động sản và các vướng mắc pháp lý được tháo gỡ kịp thời, chúng tôi kỳ vọng thị trường sẽ có thêm nguồn cung và giá bán được điều chỉnh phù hợp hơn".
ĐANG HOT
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm