Thị trường hàng hóa
Người Vân Kiều ấm no nhờ cây dong riềng
Thôn Xa Ry (xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị) nằm lưng chừng dãy Trường Sơn hùng vĩ, chủ yếu là người đồng bào dân tộc thiểu số Vân Kiều, Pa Kô sinh sống. Cuộc sống quanh năm nhờ vào nương rẫy, trồng lúa, sắn nên còn gặp nhiều khó khăn.
Những năm gần đây, được sự hỗ trợ của Đoàn kinh tế - Quốc phòng 337, người dân thôn Xa Ry đã tận dụng lợi thế đất đồi trồng cây dong riềng và cho thu nhập hàng chục triệu đồng/vụ.
Hai tháng cuối năm là thời điểm bà con Vân Kiều nơi đây tất bật thu hoạch dong riềng. Anh Hồ Văn Chỉ (thôn Xa Ry, xã Hướng Phùng) cho biết, trước đây bà con chủ yếu làm lúa rẫy, trồng sắn nhưng năng suất không cao. Năm 2020, do mưa lũ và sạt lở, hệ thống thủy lợi bị hư hỏng, nhiều diện tích bị đất cát bồi lấp không thể canh tác được nữa.
Nhận thấy bà con khó khăn, chính quyền địa phương và Đoàn kinh tế - Quốc phòng 337 đã vận động, hỗ trợ chuyển đổi phần diện tích nương rẫy không hiệu quả sang trồng cây dong riềng. Qua đó, gia đình anh đã mạnh dạn trồng hơn 2 sào.
“Với sản lượng cao, mỗi sào dự kiến thu hoạch được gần 4 tấn củ. Mỗi vụ thu được gần 20 triệu đồng nhờ củ dong riềng. Nhờ sự giúp đỡ của các chú bộ đội, bà con rất phấn khởi, một phần tạo công ăn việc làm, giúp cải thiện đời sống bà con nhân dân. Mong rằng giá cả ngày càng tăng cao giúp bà con có thêm thu nhập”, anh Hồ Văn Chỉ chia sẻ.
Cây dong riềng được Đoàn kinh tế - Quốc phòng 337 đưa về trồng thử nghiệm tại thôn Xa Ry từ nhiều năm trước. Qua nhiều niên vụ cho thấy cây hợp với thổ nhưỡng và năng suất cao. Đến nay, thôn Xa Ry có hơn 25 hộ với hơn 10,5ha dong riềng.
Ngoài hỗ trợ người dân làm đất, cây giống, phân bón và kỹ thuật trồng, Đoàn kinh tế - Quốc phòng 337 còn thu mua toàn bộ củ tươi cho bà con. Trung bình mỗi ha cho thu hoạch từ 30-35 tấn được bán với giá 2.500/kg.
Ông Hồ Văn Nhơn (ở thôn Xa Ri, xã Hướng Phùng) cho biết: "Mỗi vụ dong riềng cuối năm, gia đình tôi thu hoạch được 5 tấn củ. Với giá thu mua hiện tại là 2.500 đồng/kg dong riềng thì sẽ bán được hơn 12,5 triệu đồng”.
Huyện Hướng Hóa vừa thống nhất để Công ty cổ phần Tổng Công ty Thương mại Quảng Trị thực hiện chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả sang trồng cây dong riềng lấy bột. Theo đó, Tổng Công ty Thương mại Quảng Trị khảo sát, trồng thử nghiệm 10 mô hình cây dong riềng lấy bột tại các địa phương. Công ty hỗ trợ giống, phân bón và bao tiêu sản phẩm. Sau khi trồng thử nghiệm mô hình dong riềng mang lại hiệu quả, Công ty sẽ nhân rộng trên địa bàn toàn huyện. |
Để đảm bảo thu mua củ dong riềng ổn định cho bà con, Đoàn kinh tế - Quốc phòng 337 đã đầu tư dây chuyền chế biến miến dong thành phẩm. Với sản lượng khoảng 400 tấn thu mua hàng năm, nhà máy chế biến của Công ty xây dựng Đoàn kinh tế - Quốc phòng 337 chế biến thành phẩm khoảng 20 tấn miến với thương hiệu “Miến dong Trường Sơn”.
Đa dạng cây trồng trong phát triển kinh tế
Ông Phan Ngọc Long – Chủ tịch UBND xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa cho biết, những năm gần đây, người dân địa phương liên kết với Công ty xây dựng (Đoàn kinh tế - Quốc phòng 337) triển khai trồng cây dong riềng; đơn vị hỗ trợ giống và bao tiêu sản phẩm. Cây dong riềng đã phát huy hiệu quả cải thiện thu nhập, nâng cao đời sống cho người dân.
Bên cạnh đó, chính quyền địa phương chú trọng đa dạng hóa cây trồng trong phát triển kinh tế. Bên cạnh những cây trồng chủ lực như: cà phê, hồ tiêu, thì những cây trồng khác: chanh leo, dong riềng, sắn... cũng mang lại hiệu quả cao.
Đặc biệt, từ năm 2018 đến nay, người dân địa phương triển khai trồng cây chanh leo. Hiện diện tích trồng chanh khoảng 85-90ha, diện tích thu hoạch khoảng 50 ha, trồng tập trung tại các thôn: Đại Độ, Cheng, Phùng Lâm, Cợp, Mã Lai Pun. Bình quân mỗi ha mang lại thu nhập khoảng 20 tấn quả. Cây chanh leo cho thu hoạch quanh năm.
“Địa phương đã chú trọng thực hiện các mô hình phát triển kinh tế, chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp, liên kết với các tổ chức, doanh nghiệp đảm bảo nguồn tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp ổn định cho người dân. Điển hình như mô hình chanh leo, tuy là cây trồng mới nhưng đã và đang khẳng định được lợi thế, đem lại hiệu quả kinh tế khá cao cho người dân”, ông Phan Ngọc Long cho hay.
Hướng Phùng là một trong 3 xã đầu tiên tại Hướng Hóa được lựa chọn xây dựng mô hình điểm về trồng chanh leo với tổng diện tích 7,5ha. Sau gần 4 năm triển khai, kết quả bước đầu cho thấy chanh leo trồng ở Hướng Phùng phát triển tốt, năng suất khá cao, bình quân đạt 18 tấn/ha. Trừ chi phí đầu tư, nông dân thu lãi từ 80 - 100 triệu đồng/ha/năm.
Năm trước, gia đình chị Hồ Thị Lan (ở thôn Đại Độ, xã Hướng Phùng) trồng thí điểm 320 gốc chanh leo. Sau gần một năm, cây phát triển tốt, cho năng suất khá cao. Bình quân mỗi gốc chanh leo cho thu hoạch gần 1 tạ quả/năm, với giá hiện nay từ 13 - 23 nghìn đồng/kg chanh leo tùy theo loại thì trừ chi phí, mô hình này đem lại nguồn thu trên dưới 200 triệu đồng.
Chị Lan chia sẻ: “Chanh leo rất phù hợp đất đai, khí hậu ở đây nên chăm sóc không khó, năng suất lại cao. Thu nhập từ vườn chanh leo cao hơn thu nhập từ cây cà phê. Từ kết quả này gia đình tôi sẽ dần mở rộng thêm diện tích”.
Tag
ĐANG HOT
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm