Thị trường hàng hóa
Phiên giao dịch 6/12/2022 được xem là “ngày thứ ba đen tối” khi các chỉ số giảm mạnh đầu phiên và “lao dốc” cuối phiên. Chốt phiên, VN-Index giảm 44,98 điểm xuống 1.048,69 điểm. VN30-Index giảm 56,88 điểm xuống 1.054,06 điểm. Thanh khoản cao kỷ lục, suýt đạt cột mốc tỷ USD. Con số này đã chỉ rõ dấu hiệu 1 phiên phân phối.
Theo nhận định của Công ty chứng khoán SSI, các nhóm ngành như Dầu khí, Chứng khoán, Ngân hàng, Bán lẻ, Thép-Tôn mạ, Bất động sản và xây dựng giảm mạnh nhất phiên này do cùng chốt lời dứt khoát hơn khi đã tăng đáng kể ở những phiên trước đó.
Chỉ riêng nhóm ngành ngân hàng, trong “ngày thứ ba đen tối”, vốn hóa thị trường đã “bốc hơi” 82.855 tỷ đồng (khoảng 3,4 tỷ USD).
Nhóm giảm sàn mất 33.904 tỷ đồng
Hôm qua, tính trong nhóm cổ phiếu ngân hàng, thị trường ghi nhận 6 mã giảm sàn (MBB, SHB, STB, VIB, VPB, STB) và 3 mã giảm gần sàn (EIB, TCB, TPB).
Trong 2 phiên gần đây, cùng với LPB của Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LienvietPostBank), cổ phiếu STB của Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) gây ấn tượng khi có 2 phiên tăng trần liên tiếp với lực mua rất lớn.
Tuy nhiên, hôm qua, do áp lực quá lớn từ thị trường, STB phải đóng cửa ở mức giá xanh hòa bình khi giảm 1.550 đồng/CP xuống 20.750 đồng/CP. Đà giảm này khiến vốn hóa thị trường Sacombank “mất” 2.922 tỷ đồng.
Cũng nằm trong danh sách giảm sàn, cổ phiếu VPB của Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vương (VPBank) giảm 1.250 đồng/CP xuống 16.900 đồng/CP. Vì vậy, vốn hóa VPBank giảm 8,392 tỷ đồng.
Thời gian này, Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) nhận được sự quan tâm từ giới đầu tư khi có kế hoạch tăng vốn thông qua phát hành riêng lẻ. Cùng với đà hưng phấn chung của toàn thị trường, thông tin này giúp cổ phiếu MBB bứt phá mạnh.
Tuy nhiên, đợt báo tháo dồn dập diễn ra trong phiên 6/12 đã xóa đi nhiều nỗ lực trước đó. Chốt phiên, MBB giảm sàn, giảm 1.300 đồng/CP xuống 17.700 đồng/CP, khiến vốn hóa MB giảm 5.895 tỷ đồng.
Thời gian qua, VIB của Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam cũng khá mạnh, chỉ sau STB và LPB khi ghi nhận 2 phiên tăng trần trong ngày 30/11 và 2/12. Thế nhưng, hôm qua, cổ phiếu này cũng dừng trong sắc xanh lơ, giảm 1.500 đồng/CP xuống 20.400 đồng/CP. Vốn hóa VIB giảm 3.162 tỷ đồng.
Không lâu sau khi hồi phục từ mệnh giá, cổ phiếu SHB của Ngân hàng TMCP Sài Gòn Hà Nội (SHB) lại có tên trong danh sách giảm sàn. Đóng cửa ngày 6/12, SHB giảm 750 đồng/CP xuống 10.500 đồng/CP. Vốn hóa ngân hàng giảm 2.294 tỷ.
TCB của Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank), TPB của Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) và EIB của Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) gần giảm sàn. Kết quả là vốn hóa thị trường của 3 đơn vị này lần lượt giảm 6.995 tỷ đồng, 2.452 tỷ đồng và 1.792 tỷ đồng.
Như vậy, chỉ tính trong “ngày thứ ba đen tối”, vốn hóa thị trường của các cổ phiếu ngân hàng giảm sàn và gần giảm sàn đã hao hụt 33.904 tỷ đồng.
Nhóm không giảm sàn nhưng “bốc hơi” 48.951 tỷ đồng
Trong nhóm cổ phiếu ngân hàng, LPB là mã duy nhất duy trì được sắc xanh/ Đóng cửa phiên 6/12, LPB tăng 50 đồng/CP lên 13.050 đồng/CP. Nhờ đó, vốn hóa LienvietPostBank có thêm 86 tỷ đồng. Tuy nhiên, con số này là quá nhỏ so với sự mất mát chung của ngành.
Dù không giảm sàn nhưng các cổ phiếu ngân hàng còn lại đã “bốc hơi” 48.951 tỷ đồng vốn hóa thị trường.
Đứng đầu đà mất mát là VCB của Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank). VCB giảm 5.000 đồng/CP, tương đương 5,88% xuống 80.000 đồng/CP khiến vốn hóa Vietcombank giảm 23.663 tỷ đồng.
Tuy nhiên, một phiên giao dịch này không nói lên được nhiều điều. Suốt thời kỳ “lao dốc” vừa qua của thị trường chứng khoán Việt Nam, VCB nằm trong danh sách các mã mất mát ít nhất. VBC đang chứng minh được vị thế cổ phiếu phòng thủ của mình.
Đứng sau VCB là BID của Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV). BID giảm 2.150 đồng/CP, tương đương 39.100 đồng/CP khiến vốn hóa thị trường BIDV giảm 10.876 tỷ đồng
Một cái tên nằm trong nhóm “Tứ đại ngân hàng” còn lại là CTG của Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank). Hôm qua, CTG giảm 1.600 đồng/CP, tương đương 5,59% xuống 27.000 đồng/CP. Vốn hóa thị trường VietinBank giảm 7.689 tỷ đồng.
Một ngân hàng khác chứng kiến vốn hóa thị trường “bốc hơi” ngàn tỷ là ACB của Ngân hàng TMCP Á Châu. ACB giảm 1.300 đồng/CP xuống 22.300 đồng/CP. Vốn hóa ACB giảm 4.391 tỷ đồng.
Những cổ phiếu còn lại như OCB, NVB, KLB, SSB, OCB, NAB, BVB, BAB có tốc độ giảm khá nhẹ.
Như vậy, cổ phiếu ngân hàng của các nhóm không giảm sàn đã “bốc hơi” 48.951 tỷ đồng. Tính chung, toàn ngành ngân hàng đã hao hụt 82.855 tỷ đồng (khoảng 3,4 tỷ USD) trong “ngày thứ ba đen tối”.
Tag
ĐANG HOT
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm