Thị trường hàng hóa
Giống như mọi năm, trong những ngày cận Tết Nguyên đán, rửa xe máy, ô tô là dịch vụ được nhiều người dân Hà Nội tìm tới nhất. Ngay từ 28 Tết, các cửa tiệm rửa xe gần như kín chỗ, khách hàng đứng thành hàng dài chờ đợi. Theo tiết lộ của nhiều cửa tiệm rửa xe, để phục vụ tối đa khách hàng, nhiều nơi quyết định mở cửa tới hết sáng 30 Tết.
Tuy nhiên, mức giá rửa xe trong những ngày cận Tết không hề “dễ chịu”. Đối với xe máy, mức giá rửa xe tại Hà Nội tăng gấp đôi, từ 25.000 đồng/xe trong ngày thường, lên 50.000 đồng/xe trong những ngày cận Tết.
Trong khi đó, với ô tô, được chia thành từng phân khúc, và giá rửa xe sẽ điều chỉnh theo từng ngày, càng gần tới mùng 1, giá càng cao.
Cụ thể, với dòng xe 4 chỗ, trong ngày 25 - 26 Tết Âm lịch có giá 120.000 - 150.000 đồng/xe, nhưng đến ngày 27 Tết tăng lên 170.000 đồng/xe. Tới ngày 28 Tết tăng lên 180.000 - 200.000 đồng/xe. Đến sáng 29 Tết tăng lên 200.000 - 230.000 đồng/xe, chiều cùng ngày tăng lên 250.000 - 260.000 đồng/xe. Tới sáng 30 Tết, chủ hàng hạn chế nhận xe, nhưng mức giá đã tăng lên 250.000 - 300.000 đồng/xe.
Đối với dòng xe 5 chỗ trở lên, xe bán tải, giá dịch vụ rửa xe tăng thêm 20%. Đơn cử, ngày 28 Tết là 230.000 đồng/xe, 29 Tết là 260.000 - 290.000 đồng/xe, và sáng 30 Tết là 300.000 - 350.000 đồng/xe.
Trao đổi với phóng viên Báo Nhà báo và Công luận, anh Trần Văn Hoài, chủ một tiệm rửa xe trên phố Trương Định (Hà Nội), trong 4 ngày cận Tết Nguyên đán, trung bình mỗi ngày cửa hàng này tiếp khoảng 60 - 70 xe, cá biệt trong ngày 29 Tết, số lượng khách có thể lên tới 100 xe.
Cửa tiệm này có 5 người, phải việc liên tục, buổi trưa chỉ dành ra 30 phút ăn uống, nghỉ ngơi rồi tiếp tục làm việc. Như vậy, với mức giá 50.000 đồng/xe máy, mỗi ngày cửa hàng này có thể kiếm được 3,5 triệu đồng. Nếu 100 xe/ngày, thì cho thu nhập 5 triệu đồng/ngày.
“Mặc dù giá rửa xe ngày Tết cao, chúng tôi cũng trả gấp đôi công cho người làm. Ngày Tết, mọi người được nghỉ ngơi, về quê, còn thợ rửa xe ở lại làm dịch vụ, thì trả công như vậy cũng xứng đáng”, anh Hoài nói.
Trong khi đó, một salon ô tô trên đường Võ Thị Sáu (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) cũng tiết lộ, ngày bình thường, cửa hàng này đón khoảng 20 - 25 xe, nhưng đến cận Tết có thể tăng gấp đôi, gấp 3 lần.
Bà Xuyên, chủ một cửa hàng phở trên phố Tân Mai chia sẻ: Trong những ngày Tết, giá cả đều tăng giá. Mặc dù đã chủ động tích trữ trước Tết, nhưng một số nguyên liệu như bánh phở vẫn phải nhập hàng ngày, để giữ độ tươi.
“Do đó, ngày thường chúng tôi bán 40.000 đồng/bát, thì tới Tết tăng lên 60.000 đồng/bát cũng không phải là quá cao”, bà Xuyên nói.
Điều đặc biệt, càng vào khu vực trung tâm Hà Nội, mức giá bị “thổi” lên càng cao. Trong đó, các tuyến phố nằm trong khu vực phố cổ, như Hàng Điếu, Hàng Gà, hay Bát Đàn, giá của một số mặt hàng ăn uống có thể tăng gấp đôi là bình thường. Và không thiếu những bát phở, bát bún ngày thường có giá 40.000 đồng, nhưng tới Tết là tăng vọt lên 100.000 đồng/bát.
Do đó, để tránh gặp phải tình cảnh bị chặt chém, nhiều người tiêu dùng lựa chọn hỏi giá, trước khi gọi món.
ĐANG HOT
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm