Thị trường hàng hóa
Tính từ năm 2014 đến nay, Việt Nam chưa ghi nhận trường hợp người nhiễm cúm gia cầm tử vong. Giám sát cúm gia cầm và các bệnh chung khác ở góc độ tương tác giữa người và động vật là cách tiếp cận toàn diện giúp Việt Nam khống chế cúm gia cầm và các bệnh lây truyền từ động vật sang người. Qua đó, nâng cao chất lượng nguồn lực đảm bảo phát triển chăn nuôi an toàn. Từ đó, góp phần quan trọng vào tăng trưởng của ngành nông nghiệp.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho biết: Sau 5 năm triển khai Dự án “Giám sát cúm gia cầm và các bệnh chung khác ở góc độ tương tác giữa người và động vật tại Việt Nam”, Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, trong đó bao gồm việc hỗ trợ xây dựng Chương trình quốc gia phòng, chống bệnh Cúm gia cầm, giai đoạn 2019 - 2025; Chương trình quốc gia phòng, chống bệnh dại, giai đoạn 2022 - 2030; Đào tạo trên 1.151 lượt cán bộ thú y Trung ương và thú y của 44 tỉnh, thành phố về dịch tễ, giám sát, chẩn đoán, xét nghiệm, an toàn sinh học, phân tích chuyên sâu và hỗ trợ đào tạo sau đại học...
Đặc biệt, trong 5 năm qua, năng lực dịch tễ, giám sát, chẩn đoán, xét nghiệm cúm gia cầm, cúm lợn và bệnh dại được cải tiến đáng kể, góp phần quan trọng trong phòng, chống dịch bệnh.
“Những kết quả của dự án có ý nghĩa quan trọng trong việc chủ động các giải pháp phòng ngừa các mối đe dọa đối với bệnh cúm gia cầm và các bệnh lây truyền từ động vật sang người. Việc thu thập thông tin một các thường xuyên và phân tích định kỳ, chia sẻ thông tin giúp phát hiện sớm đáp ứng kịp thời việc kiểm soát và phòng ngừa sự xâm nhập và lây truyền virus cúm gia cầm và các virus lây truyền từ động vật sang người.
Từ việc giám sát chúng ta đã có những giải pháp phòng chống dịch bệnh như an toàn sinh học, tiêm phòng vắc xin, xử lý ổ dịch và đầu tư trang thiết bị, đào tạo nguồn nhân lực. Qua đó, nâng cao năng lực thú y và nhận thức của người chăn nuôi để triển khai đồng bộ các giải pháp phòng chống cúm gia cầm và các bệnh lây truyền từ động vật sang người”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.
Ông Bryan Kim, Phó Giám đốc quốc gia Trung tâm Dự phòng và Kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ (CDC) tại Việt Nam cho rằng: Việt Nam cũng như các quốc gia trên thế giới đã ghi nhận nhiều ca bệnh tử vong do cúm A/H5N1, SARS, A/H1N1 và gần đây nhất là đại dịch COVID-19 lấy đi sinh mạng của hàng triệu người trên thế giới. Các loại virus cúm gia cầm như: Cúm A/H5N1, A/H5N6, A/H5N8 vẫn tiếp tục gây ốm, chết trên đàn gia cầm, gây tổn thất lớn về kinh tế và gia tăng nguy cơ lây nhiễm bệnh sang con người.
“Không có nguy cơ nào lớn hơn nguy cơ đại dịch cúm gia cầm và các bệnh lây truyền từ động vật sang người. Giám sát các bệnh lây truyền từ động vật sang người là nền tảng giúp chúng ta hiểu hơn về các loại virus, nguồn gốc virus, khi nào loài vật nào bị nhiễm bệnh”, ông Bryan Kim nhấn mạnh.
Ông Bryan Kim cũng cho rằng, việc thu thập thông tin một cách thường xuyên, phân tích định kỳ và chia sẻ thông tin sẽ giúp chúng ta có cơ hội phát hiện sớm, đáp ứng kịp thời việc kiểm soát và phòng ngừa sự xâm nhập và lây truyền virus cúm gia cầm và các virus lây truyền từ động vật sang người có khả năng gây đại dịch.
Trong giai đoạn 2017 - 2022, dự án đã hỗ trợ và đào tạo từ cơ bản đến chuyên sâu về dịch tễ, giám sát dịch bệnh, phân tích số liệu và chẩn đoán xét nghiệm bệnh cúm gia cầm và bệnh dại cho hơn 1.000 lượt cán bộ ngành thú y; Hỗ trợ lấy mẫu và xét nghiệm được là trên 25 nghìn mẫu gộp tại 28 tỉnh, thành phố, cao gấp hơn 2 lần so với giai đoạn 2012 - 2017. Trong số 127 huyện được giám sát, đã có 60 huyện xuất hiện ổ dịch cúm gia cầm, chiếm 46,9%.
Kết quả giám sát là cơ sở để cảnh báo sớm về dịch bệnh cúm gia cầm, cung cấp bằng chứng quan trọng để Cục Thú y thông báo lưu hành virus, khuyến cáo lựa chọn chủng loại vắc xin cúm gia cầm phù hợp với từng địa phương.
Bên cạnh đó, dự án cũng hỗ trợ giải trình tự gien và các phân tích đánh giá các đặc tính di truyền và đặc tính kháng nguyên của virus cúm gia cầm phân lập được tại Việt Nam để đề xuất các giải pháp sử dụng vaccine phù hợp.
Ông Nguyễn Văn Long, quyền Cục trưởng Cục Thú y cho biết: Trong giai đoạn từ tháng 10/2017 - 9/2022, Cục Thú y gửi sang CDC Mỹ tại Atlanta tổng cộng 10.489 mẫu (trung bình 2.098 mẫu/năm) dương tính với virus cúm gia cầm (bao gồm mẫu ổ dịch và mẫu giám sát chủ động tại các chợ buôn bán gia cầm sống) để CDC Mỹ thực hiện: Giải trình tự gene và xác định các đặc tính di truyền của các chủng virus cúm gia cầm lưu hành tại Việt Nam; Nghiên cứu, đánh giá đặc tính gây bệnh của các chủng virus cúm gia cầm; Nghiên cứu các đặc tính di truyền, kháng nguyên và lựa chọn chủng virus để sản xuất vaccine.
“Hàng năm, CDC đầu tư khoảng 500.000USD cho các hoạt động này để giúp Việt Nam”, ông Nguyễn Văn Long nhấn mạnh.
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho rằng, những kết quả của Việt Nam trong phòng, chống dịch cúm gia cầm là không thể phủ nhận. Theo đó, Cục Thú y, ngành thú y và các đơn vị liên quan tiếp tục sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đã được hỗ trợ; Tiếp tục phát huy những kết quả tích cực và những ưu điểm, đồng thời có các giải pháp phù hợp để khắc phục những tồn tại, bất cập trong quá trình triển khai các hoạt động của dự án, có sự hợp tác chặt chẽ giữa cơ quan chuyên môn của Trung ương, địa phương, các tổ chức quốc tế và nhất là CDC Mỹ.
Tag
ĐANG HOT
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm