Thị trường hàng hóa
Năm 2022 đánh dấu giai đoạn phục hồi của ngành du lịch Việt Nam sau 2 năm “đóng băng” do đại dịch. Tần suất chuyến bay nội địa đã quay trở lại mức năm 2019.
Theo công bố từ Cục Hàng không Việt Nam, trong 6 tháng đầu năm 2022, thị trường nội địa đạt 20,8 triệu khách, tăng 58,4% so cùng kỳ 2021 và thậm chí tăng 12% so cùng kỳ năm 2019.
Bên cạnh đó, các hãng hàng không tại Việt Nam đã chuyển hướng khai thác sang các thị trường tiềm năng như Ấn Độ và mở rộng đường bay tại các thị trường quen thuộc như Hàn Quốc, Singapore và Malaysia.
Đây là một tín hiệu khả quan trong bối cảnh thị trường quốc tế có tốc độ hồi phục chậm do nhiều quốc gia, khu vực vẫn đang áp dụng các quy định hạn chế đi lại nhằm phòng chống dịch COVID-19.
Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, trong tháng 8/2022, có khoảng 486.400 lượt khách quốc tế tới Việt Nam, tăng 38% so với tháng trước và gấp 52,3 lần so với cùng kỳ năm trước do Việt Nam đã mở cửa du lịch.
Tính chung 8 tháng năm 2022, khách quốc tế đến nước ta đạt 1,44 triệu lượt người, gấp 13,7 lần so với cùng kỳ năm trước nhưng vẫn giảm 87,3% so với cùng kỳ năm 2019, năm chưa xảy ra dịch COVID-19.
Đặc biệt, ngành du lịch Việt Nam đang bị thâm hụt một lượng lớn du khách đến từ Trung Quốc, đây là một trong những thị trường tỷ dân rất tiềm năng của ngành du lịch Việt Nam.
Với đà phục hồi của ngành du lịch thời hậu dịch, hoạt động của thị trường khách sạn cũng được cải thiện. Báo cáo mới nhất của Savills đã ghi nhận công suất thuê phòng tại Hà Nội trung bình đạt 43%, tăng 16% so với năm ngoái. Tương tự, tại TP. HCM, công suất trung bình cũng tăng từ 18% lên 39%.
Tuy nhiên, bên cạnh đó, các yếu tố đến từ nội tại ngành du lịch vẫn đang cản trở đà tăng trưởng của ngành như thiếu nhân sự trong ngành du lịch, thiếu vốn. Giá nhiên liệu, hàng hóa đang tăng cũng là một trong những rào cản hiện nay.
Trao đổi với phóng viên Báo Nhà báo & Công luận, ông Đặng Anh Đức, đại diện một chuỗi khách sạn 3 sao trong khu vực phố cổ Hà Nội chia sẻ: Trong dịp hè vừa qua, số lượng du khách quốc tế đã tăng mạnh so với năm ngoái, nhưng vẫn chưa bằng thời điểm trước dịch. Do đó, chuỗi khách sạn này vẫn để mức giá thuê phòng tương đối thấp, để thu hút khách nội địa, từ đó bù vào khoản lỗ trong 2 năm qua.
Theo ông Đức, với phân khúc khách sạn hay khu resoft "bình dân" hướng tới du khách nội địa, thì mùa hè năm nay, họ có đà tăng trưởng cực kỳ mạnh. Thế nhưng, các khách sạn này lại đối mặt với tình trạng thiếu nhân sự trầm trọng. Nguyên nhân là do 2 năm dịch bệnh, nhân sự của ngành du lịch chuyển sang các ngành nghề khác, đa phần là làm sale bất động sản hoặc bảo hiểm.
Trong khi đó, với phân khúc khách sạn cao cấp, hoặc các khách sạn hướng đến khách du lịch quốc tế, dù có đà tăng nhưng chưa thực sự bứt phá. "Tôi cho rằng, cần phải 2 - 3 năm nữa, ngành khách sạn mới thật sự phục hồi, nhờ vào khách quốc tế trở lại Việt Nam", ông Đức cho biết.
Trong khi đó, ông Mauro Gasparotti, Giám đốc Savills Hotels Châu Á Thái Bình Dương, nhận định: Thị trường nghỉ dưỡng đang dần hoạt động sôi động trở lại. Một số khách sạn trong thành phố đã cải thiện công suất nhờ nhu cầu di chuyển và công tác của các khách du lịch và chuyên gia tới Việt Nam.
Hoạt động du lịch toàn cầu nói chung và Việt Nam nói riêng đã tái khởi động. Tuy nhiên, ngành du lịch vẫn đang đứng trước một số hạn chế để có những bước tiến nổi bật.
Theo như chuyên gia từ Savills Hotels, hiện nay các dự án trên thị trường chủ yếu chú trọng về quy mô và sản phẩm bán. Nhiều điểm du lịch có mật độ xây dựng dày đặc, đòi hỏi mỗi dự án cần xây dựng được bản sắc riêng của mình. Đồng thời, các loại hình sản phẩm lưu trú cần được làm đa dạng, kèm theo đó chất lượng quản lý vận hành cũng cần được nâng cao.
Tag
ĐANG HOT
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm