Thị trường hàng hóa
Vào hôm thứ 2, Ngân hàng Quốc gia Thụy Sĩ (SNB) cho biết họ đã mất 142,2 tỷ franc Thụy Sĩ (142,60 tỷ USD) trong chín tháng đầu năm 2022, do lãi suất tăng và đồng franc Thụy Sĩ mạnh hơn đã làm giảm giá trị các khoản đầu tư nước ngoài của ngân hàng trung ương.
Khoản lỗ - lớn nhất trong lịch sử 115 năm của SNB - nhiều hơn một chút so với sản lượng kinh tế hàng năm của Thụy Sĩ (132 tỷ USD), nhưng ngân hàng trung ương không bị phá sản nhờ khả năng tạo tiền của mình.
SNB đã lỗ 141 tỷ franc từ các vị thế ngoại tệ của mình khi trái phiếu và cổ phiếu được mua trong chiến dịch của mình để ngăn chặn sự tăng giá của đồng franc bị giảm giá trị.
Con số này bao gồm khoản lỗ liên quan đến tỷ giá hối đoái là 24,4 tỷ do đồng franc mạnh hơn làm giảm giá trị của các khoản nắm giữ, bao gồm cổ phần của nhà bán lẻ cà phê Starbucks và chủ sở hữu Google Alphabet.
Lượng vàng nắm giữ mất 1,1 tỷ franc giá trị
Nhà kinh tế Alessandro Bee của UBS cho biết: “Những khoản lỗ này nghe có vẻ nhiều, nhưng SNB không phải là một ngân hàng bình thường. Vấn đề là môi trường lạm phát đình trệ, nơi cổ phiếu mất giá, trái phiếu mất giá, vàng mất giá và đồng franc Thụy Sĩ trở nên mạnh hơn. Thông thường trái phiếu và vàng tăng giá khi cổ phiếu mất giá. Nhưng điều đó đã không xảy ra vào năm 2022”.
Khoản lỗ lớn trong năm nay có thể sẽ dẫn đến việc ngân hàng trung ương sẽ tạm dừng các khoản thanh toán cho Chính phủ liên bang và tiểu bang Thụy Sĩ vào năm tới.
Chính phủ Thụy Sĩ đã nhận được 716 triệu franc trong số 6 tỷ franc được SNB phân phối trong năm nay, nhưng cho biết họ biết rằng không có sự đảm bảo nào về tiền mặt của ngân hàng trung ương.
Heinz Taennler, giám đốc tài chính tại Zug - một bang thuộc Thụy Sĩ cho hay: “SNB không phải là một ngân hàng bình thường, mà là một ngân hàng trung ương có các nhiệm vụ khác như ổn định giá cả và bảo vệ nền kinh tế Thụy Sĩ. Bang của chúng tôi không phụ thuộc vào khoản thanh toán từ SNB, nhưng tôi không thể nói đó có phải là trường hợp của các bang khác hay không”.
Khoản lỗ lớn tiếp tục có thể xóa sổ vốn chủ sở hữu của SNB - vốn ở mức 204 tỷ franc vào cuối năm 2021.
SNB, gần đây đã bắt đầu tăng lãi suất để chống lạm phát và từ chối bình luận về khoản lỗ và các chính sách tiền tệ hạn chế hơn của mình.
Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Martin Schlegel của SNB chỉ ra rằng việc giảm vốn chủ sở hữu sẽ không làm thay đổi cách tiếp cận của ngân hàng trung ương. Ông cũng kỳ vọng lợi nhuận dài hạn tích cực từ các khoản đầu tư của ngân hàng.
Ông nói trong một cuộc phỏng vấn được công bố vào thứ 6 rằng: “Chúng tôi có thể theo đuổi nhiệm vụ của mình và hoàn thành nhiệm vụ của mình ngay cả khi vốn chủ sở hữu bị âm. Tuy nhiên, điều quan trọng là chúng ta phải có đủ vốn chủ sở hữu. Nó giúp tăng uy tín của một ngân hàng trung ương nếu nó được vốn hóa tốt”.
Tag
ĐANG HOT
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm