Thị trường hàng hóa
Ngày 21/4, lãi suất chào bình quân liên ngân hàng trên thị trường liên ngân hàng giảm mạnh 0,12 - 0,54 % ở tất cả các kỳ hạn từ 1 tháng trở xuống so với phiên trước đó.
Lãi suất qua đêm giảm mạnh nhất (giảm 0,54% so với hôm qua, giảm 2,22% so với tuần trước), chỉ còn 3,23%. Lãi suất kỳ hạn 1 tuần còn 3,7%, giảm 1,82% so với tuần trước. Lãi suất kỳ hạn 1 tháng cũng về mức dưới 5%, giảm 0,68% so với tuần trước.
Hôm qua (20/4), trên kênh cầm cố, Ngân hàng Nhà nước chào thầu 20.000 tỷ đồng kỳ hạn 7 ngày và 28 ngày, không có khối lượng trúng thầu ở cả hai kỳ hạn song có 6.177,31 tỷ đồng đáo hạn. Đây cũng là số tiền mà Ngân hàng Nhà nước hút ròng ngày hôm qua thông qua nghiệp vụ thị trường mở.
Trước đó, Ngân hàng Nhà nước chào thầu 10.000 tỷ đồng kỳ hạn 7 ngày và 10.000 tỷ đồng kỳ hạn 28 ngày, đều với lãi suất 5%. Không có khối lượng trúng thầu ở cả hai kỳ hạn; có 3.133,22 tỷ đồng đáo hạn.
Như vậy, trong 4 ngày đầu tuần này, Ngân hàng Nhà nước đã hút ròng gần 13.500 tỷ đồng qua thị trường mở.
Ngày 19/4, Kho bạc Nhà nước huy động 10.250 tỷ đồng trái phiếu chính phủ, khối lượng trúng thầu là 9.874 tỷ đồng (đạt 96%). Trong đó, kỳ hạn 5 năm, 10 năm và 15 năm huy động được toàn bộ khối lượng gọi thầu, lần lượt là 3.000 tỷ, 2.250 tỷ và 4.500 tỷ. Riêng kỳ hạn 30 năm chỉ huy động được 124 tỷ/500 tỷ. Lãi suất trúng thầu các kỳ hạn trên lần lượt tại 5 năm 2,78% (-0,2 % so với lần trúng thầu trước); 10 năm 3,28% (không thay đổi), 15 năm 3,4% (không thay đổi) và 30 năm 3,66% (không thay đổi).
Trên thị trường 1, lãi suất tiền gửi niêm yết tại các ngân hàng tiếp tục được điều chỉnh theo chiều hướng giảm. Mức giảm lên tới 0.5-1% chỉ trong vòng 1 tháng gần đây.
Hiện nay chỉ còn vài ngân hàng như SCB, OCB, ABBank có lãi suất huy động ở mức 9%/năm, áp dụng ở kỳ hạn dài. Đại đa số các ngân hàng khác đều đã đưa lãi suất huy động các kỳ hạn về dưới 9%/năm. Riêng lãi suất cao nhất ở nhóm ngân hàng big 4 chỉ 7,2%/năm; lãi suất 6 tháng là 5,8%/năm.
Trong quý I/2023, tín dụng tăng trưởng thấp, nền kinh tế xuất siêu, Ngân hàng Nhà nước mua 4 tỷ USD tăng dự trữ ngoại hối, lãi suất điều hành giảm… khiến thanh khoản hệ thống dồi dào và lãi suất rẻ hơn.
Công ty chứng khoán KBSV cho rằng, Ngân hàng Nhà nước sẽ có nhiều dư địa để nới lỏng chính sách tiền tệ hơn trong năm 2023, với kịch bản cơ sở lạm phát bình quân được kiểm soát tốt quanh 4-4,5%, áp lực từ lạm phát toàn cầu và tỷ giá trong nước được dự báo bớt căng thẳng hơn so với năm 2022. Hơn nữa việc đứt gãy chuỗi cung ứng dần được cải thiện và nhu cầu tiêu thụ toàn cầu sụt giảm giúp giá hàng hoá hạ nhiệt, và FED được dự báo sẽ sớm kết thúc chu kỳ tăng lãi suất vào cuối quý 2/2023, sẽ là yếu tố hỗ trợ cho mặt bằng lãi suất huy động 12 tháng duy trì quanh ngưỡng 7%, và lãi suất cho vay bình quân quanh ngưỡng 10%. Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước có thể sẽ hạ tiếp các loại lãi suất chính sách thêm 0.5% trong quý 2/2023 để tiếp tục hỗ trợ nền kinh tế.
Tag
ĐANG HOT
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm