Thị trường hàng hóa
Cụ thể, ngày 26/9, NHNN tiếp tục chào bán tín phiếu 28 ngày theo cơ chế đấu thầu lãi suất. Kết quả có 9/11 thành viên tham gia trúng thầu với tổng khối lượng là 20.000 tỷ đồng, lãi suất 0,58%, cao hơn phiên ngày 25/9 là 0,49%.
Trước đó, liên tiếp trong 3 phiên 21/9, 22/9 và 25/9, NHNN đã chào thầu thành công tổng cộng 30.000 tỷ đồng tín phiếu 28 ngày và không phát sinh nghiệp vụ trên thị trường mở; qua đó rút khỏi hệ thống ngân hàng lượng tiền tương ứng.
Như vậy, trong 4 phiên giao dịch vừa qua (21/9, 22/9, 25/9 và 26/9), NHNN đã hút ròng tổng cộng gần 50.000 tỷ đồng ra khỏi hệ thống ngân hàng thông qua kênh tín phiếu.
Theo các chuyên gia kinh tế, việc NHNN liên tục phát hành tín phiếu với tổng số gần 30.000 tỷ đồng sau hơn 6 tháng tạm ngưng (từ 10/3/2023) là nhằm góp phần ổn định tỷ giá USD/VND và tháo gỡ việc dư thừa vốn.
Số liệu mới công bố của NHNN cho thấy, tín dụng vẫn đang tăng trưởng rất chậm. Tính đến ngày 15/9 tăng trưởng tín dụng chỉ đạt 5,56% (trong khi định hướng cả năm khoảng 14 - 15%) và chỉ nhỉnh hơn một chút so với mức 5,33% đến cuối tháng 8. Như vậy, trong 4 tháng cuối năm toàn hệ thống ngân hàng còn khoảng 8 - 9% để tăng trưởng tín dụng, tương đương khoảng 1 triệu tỷ đồng.
Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh cho rằng, mục tiêu phát hành tín phiếu của NHNN chủ yếu là hút tiền trên thị trường trong bối cảnh đang thừa tiền, không cho vay được.
Cũng theo các chuyên gia của CTCP Chứng khoán SSI (SSI), động thái phát hành tín phiếu trở lại của NHNN có thể được xem là một cách thức nhằm điều chỉnh trạng thái thanh khoản ngắn hạn trên hệ thống. Đây là hoạt động thường thấy từ các ngân hàng trung ương và không đồng nghĩa với việc NHNN đã thực hiện đảo chiều chính sách tiền tệ.
Mặt khác, theo CTCP Chứng khoán Maybank (MSVN), động thái hút tiền của NHNN cho thấy NHNN đang sẵn sàng can thiệp để ổn định tỷ giá.
Tag
ĐANG HOT
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm