Thị trường hàng hóa
Ngân hàng nào nhiều khả năng được cấp thêm room tín dụng?
Ngân hàng Nhà nước vừa qua đã có thông báo tổ chức tín dụng có tốc độ tăng trưởng tín dụng năm 2024 đạt từ 80% hạn mức (room) đã được giao từ đầu năm sẽ được chủ động điều chỉnh tăng thêm dư nợ dựa trên cơ sở điểm xếp hạng của tổ chức tín dụng. Đáng chú ý, nhà điều hành cho biết sẽ chủ động điều chỉnh room cho từng ngân hàng, mà không yêu cầu họ phải gửi đề nghị cấp thêm.
Dữ liệu của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, tính đến ngày 26/8, tín dụng toàn hệ thống chỉ tăng 6,63% so với cuối năm 2023, thấp hơn nhiều so với chỉ tiêu định hướng tăng 15% trong năm nay.
Ông Quản Trọng Thành - Giám đốc Khối Phân tích Công ty Chứng khoán Maybank đánh giá, động thái mới của Ngân hàng Nhà nước cho thấy sự chủ động, bám sát của nhà điều hành trong việc đảm bảo thanh khoản, cung ứng đủ tín dụng trong nửa cuối năm nay - giai đoạn cao điểm về tiêu dùng, sản xuất kinh doanh, góp phần thúc đẩy sự phục hồi của nền kinh tế.
Chính sách mới cũng tạo đòn bẩy cho tăng trưởng của các ngân hàng trong nửa cuối năm nay. Cụ thể, việc cấp thêm room sẽ giúp các ngân hàng gia tăng khoản thu nhập từ lãi, cũng như tạo điều kiện cải thiện các chỉ số hoạt động, đặc biệt là kiểm soát nợ xấu ổn định hơn, ông Quản Trọng Thành cho biết.
Dữ liệu cũng cho thấy mức tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng từ đầu năm đến nay có sự phân hoá mạnh, có nhà băng ghi nhận tăng trưởng cao, sát hạn mức đã được phân bổ nhưng cũng có đơn vị ghi nhận tăng trưởng âm.
Cụ thể, tính đến hết quý 2/2024, có 16 ngân hàng ghi nhận mức tăng trưởng tín dụng cao hơn mức trung bình ngành. Trong đó, một số ngân hàng có mức tăng trưởng tín dụng trên 12% như Ngân hàng LPBank (LPB) tăng trưởng 15,2% Ngân hàng Techcombank (TCB) tăng trưởng 14,2%, Ngân hàng ACB (ACB) tăng trưởng 12,8%, và Ngân hàng HDBank (HDB) tăng trưởng 12,5%.
Theo đó, các ngân hàng trên được kỳ vọng sẽ là những tổ chức tín dụng đầu tiên được xét cấp thêm room tín dụng trong thời gian tới.
Ông Quản Trọng Thành cũng lưu ý, một số ngân hàng dù có tốc độ tăng trưởng tín dụng chỉ ở mức trung bình ngành nhưng cũng đã chạm ngưỡng 80% hạn mức được giao từ đầu năm, cũng có khả năng được bổ sung room tín dụng.
Theo Giám đốc Khối Phân tích Công ty Chứng khoán Maybank, hai nhóm ngân hàng có tiềm năng cao trong việc được nới room tín dụng trong nửa cuối năm là nhóm các ngân hàng thương mại nhà nước với tệp khách hàng doanh nghiệp lớn như Ngân hàng Vietcombank (VCB) và Ngân hàng VietinBank (CTG), và nhóm các ngân hàng thương mại sở hữu tệp khách hàng bán lẻ phân khúc trung lưu như Ngân hàng VPBank (VPB).
“Tại thời điểm này, những ngân hàng lớn, có nguồn khách hàng tốt như Ngân hàng Vietcombank, Ngân hàng Quân đội, hoặc những ngân hàng có thế mạnh trong các lĩnh vực cần nhu cầu vốn lớn như bất động sản, điển hình là Ngân hàng Techcombank và Ngân hàng ACB, sẽ là những ngân hàng có khả năng “đẩy” tín dụng tốt nhất”, ông Quản Trọng Thành phân tích.
Trong khi đó, các ngân hàng thương mại với trọng tâm là các khách hàng bán lẻ phân khúc thấp, quy mô nhỏ được nhận định sẽ khó có thể đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng tín dụng trong thời gian tới.
Giám đốc Khối Phân tích Công ty Chứng khoán Maybank cũng chia sẻ, tăng trưởng tín dụng nửa cuối năm sẽ góp phần thúc đẩy sự hồi phục NIM của một số ngân hàng vượt trội hơn so với mặt bằng chung toàn ngành, đặc biệt là các nhà băng đã trải qua sự điều chỉnh mạnh trong nửa cuối năm ngoái như Ngân hàng Techcombank và Ngân hàng VPBank.
Nhiều động lực cho tăng trưởng tín dụng cuối năm
Theo kịch bản cơ sở hiện nay của Công ty Chứng khoán Maybank, tăng trưởng tín dụng cả năm có thể đạt khoảng 14%, đạt mục tiêu đề ra của Ngân hàng Nhà nước nhờ mùa tiêu dùng, sản xuất kinh doanh trong nửa cuối năm. Theo đó, tăng trưởng tín dụng sẽ được dẫn dắt bởi nhu cầu vốn cho sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp lớn.
Trong kịch bản tích cực, nhu cầu cho vay cá nhân được kỳ vọng sẽ phục hồi từ cuối quý 3/2024, đặc biệt là nhu cầu vay mua nhà, từ đó thúc đẩy tăng trưởng tín dụng vượt ngưỡng 14% trong năm nay.
Lĩnh vực bất động sản vốn chiếm đến hơn 20% tổng dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế đang có chuyển động theo hướng tích cực. Bất động sản là một lĩnh vực hấp dẫn đối với hoạt động cho vay ngân hàng do nhu cầu cao và ổn định, cùng với tài sản thế chấp mạnh. Nhu cầu cho nhà ở rất lớn nên dư địa cho vay còn rất nhiều, đại diện một số ngân hàng chia sẻ.
Xem thêm: "Tỷ giá “hạ nhiệt”, Ngân hàng Nhà nước bơm ròng tháng thứ 2 liên tiếp" trên Tạp chí Công Thương tại đây.
Từ ngày 1/8, 3 bộ luật gồm Luật đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản và Luật Nhà ở chính thức có hiệu lực, góp phần tháo gỡ nhiều vướng mắc pháp lý, thúc đẩy các chủ đầu tư tái khởi động các dự án và tiến hành mở bán. Các quy định mới cũng khiến chi phí đầu tư tăng lên, sinh ra nhu cầu vốn tín dụng để vận hành doanh nghiệp/dự án nhiều hơn từ phía các công ty bất động sản. Đồng thời, luật mới cũng tăng cầu cho mảng chung cư khi bỏ quy định sở hữu có thời hạn, mở rộng đối tượng mua nhà ở xã hội.
Bên cạnh đó, theo ông Quản Trọng Thành, mặt bằng lãi suất cho vay sẽ được duy trì ở mức hợp lý trong thời gian tới theo đúng định hướng, chỉ đạo xuyên suốt của Ngân hàng Nhà nước. Cụ thể, các ngân hàng thương mại nhà nước, vốn chiếm đến 40% tổng huy động, đang chủ động giữ lãi suất huy động ổn định, từ đó tạo điều kiện giữ lãi suất cho vay trên toàn thị trường ở mức cạnh tranh.
Đồng thời, lãi suất liên ngân hàng tại Việt Nam trong nửa đầu năm nay đã bị đẩy lên quanh mức 4-5% do chịu ảnh hưởng bởi chính sách thắt chặt của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Nhưng Fed đang phát đi các tín hiệu rõ ràng về việc giảm lãi suất, điều này sẽ giúp lãi suất liên ngân hàng được bình ổn và Ngân hàng Nhà nước có nhiều dư địa hơn trong việc điều hành lãi suất, theo Giám đốc Khối Phân tích Công ty Chứng khoán Maybank.
ĐANG HOT
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm