Thị trường hàng hóa
Hội đồng Quản trị Ngân hàng TMCP Nam Á (Ngân hàng Nam Á, mã cổ phiếu NAB - sàn HoSE) vừa qua đã có thông báo sẽ chốt danh sách cổ đông thực hiện quyền nhận cổ phiếu phát hành thêm nhằm tăng vốn điều lệ vào ngày 12/7 tới đây.
Cụ thể, Ngân hàng Nam Á sẽ phát hành 264,5 triệu cổ phiếu mới với tỷ lệ 100:25, tức mỗi cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu sẽ được nhận thêm 25 cổ phiếu mới. Sau khi hoàn tất, vốn điều lệ của ngân hàng này sẽ tăng thêm 2.654 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, Ngân hàng Nam Á cũng sẽ phát hành 50 triệu cổ phiếu ESOP với giá chào bán 10.000 đồng/cổ phiếu nhằm huy động tối đa 500 tỷ đồng để bổ sung vốn điều lệ. Số cổ phiếu này sẽ bị hạn chế chuyển nhượng trong vòng một năm kể từ ngày kết thúc đợt phát hành và sẽ được giải tỏa 50% trong năm thứ hai.
Trên thị trường chứng khoán, trong ngày 9/7, giá tham chiếu của cổ phiếu NAB đạt 16.300 đồng/cổ phiếu. Nếu so với mức giá này thì giá chào bán cổ phiếu ESOP của Ngân hàng Nam Á đang thấp hơn khoảng 38,6%.
Trước đó, vào giữa tháng 6/2024, Ngân hàng Nhà nước đã phê duyệt hai phương án tăng vốn điều lệ trên của Ngân hàng Nam Á. Nếu cả hai phương án này được triển khai thành công, vốn điều lệ của Ngân hàng Nam Á sẽ nâng lên mức 13.725 tỷ đồng, tương ứng tăng gần 30%.
Về tình hình kinh doanh, trong quý 1/2024, Ngân hàng Nam Á ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt gần 1.000 tỷ đồng, tăng 31% so với cùng kỳ năm 2023. Qua đó, hoàn thành 25% kế hoạch lợi nhuận cả năm.
Xem thêm: "Xoá sạch nợ xấu tại VAMC, Ngân hàng Nam Á (NAB) được Moody’s nâng hạng" trên Tạp chí Công Thương tại đây.
Đây là lần đầu tiên trong quý 1, Ngân hàng Nam Á ghi nhận lợi nhuận đạt gần 1.000 tỷ đồng. Kết quả này có được nhờ vào thu nhập lãi tăng; đồng thời, ngân hàng cũng giảm mạnh trích lập dự phòng do đã xử lý dứt điểm nợ trên VAMC trong năm 2023 với số dư nợ là hơn 1.700 tỷ đồng, và nợ nhóm 2 trong quý 1/2024 đã giảm sâu.
Trong năm 2024, Ngân hàng Nam Á đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 4.000 tỷ đồng, tăng 21% so với 2023; tăng trưởng dư nợ dự kiến ở mức 13%; tổng tài sản tăng 11%, đạt 232.000 tỷ đồng; và kiểm soát nợ xấu ở dưới mức 3%.
Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024, Hội đồng quản trị Ngân hàng Nam Á đã trình cổ đông xem xét và phê duyệt kế hoạch tiếp tục tham gia hoạt động tái cơ cấu các Quỹ Tín dụng nhân dân yếu kém. Ngân hàng Nam Á trước đó đã tham gia tái cơ cấu 3 Quỹ Tín dụng nhân dân bị kiểm soát đặc biệt trên địa bàn Đồng Nai.
Bên cạnh đó, Ngân hàng Nam Á cũng dự kiến thành lập ngân hàng 100% vốn của Ngân hàng Nam Á hoặc chi nhánh của ngân hàng tại khu vực Đông Nam Á, với lĩnh vực hoạt động bao gồm: kinh doanh dịch vụ tài chính - ngân hàng, xúc tiến thương mại đầu tư và các hoạt động khác.
Tag
ĐANG HOT
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm