Thị trường hàng hóa
Kết thúc năm 2024, Ngân hàng TMCP Lộc Phát Việt Nam (Ngân hàng LPBank, mã cổ phiếu LPB - sàn HoSE) công bố lợi nhuận trước thuế đạt 12.168 tỷ đồng, hoàn thành 116% kế hoạch lợi nhuận đã được Đại hội đồng cổ đông thông qua, chính thức bước chân vào nhóm các doanh nghiệp có lợi nhuận trên 10.000 tỷ đồng.
Tổng tài sản của Ngân hàng này cuối năm 2024 đạt trên 508 nghìn tỷ đồng, tăng 33% so với cuối năm 2023. Bức tranh tài chính năm 2024 của Ngân hàng LPBank còn ghi nhận mức tăng trưởng tín dụng ấn tượng. Dư nợ tín dụng tại ngày 31/12/2024 đạt 331.606 tỷ đồng, tăng hơn 20% so với cùng kỳ năm 2023.
Đại diện Ngân hàng LPBank cho biết, Ngân hàng đã chủ động giải ngân ngay từ những tháng đầu năm với các giải pháp tín dụng, đáp ứng nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp và cá nhân, đặc biệt là trong các lĩnh vực ưu tiên. Nhờ đó, dư nợ tín dụng của Ngân hàng tăng trưởng mạnh mẽ ngay từ Quý 1/2024, tạo đà cho lợi nhuận gia tăng trong các quý tiếp theo.
Năm 2024, Ngân hàng LPBank cũng ghi nhận nhiều dấu ấn trong hoạt động kinh doanh nhờ tiếp tục triển khai quyết liệt và đồng bộ các dự án chiến lược như ngân hàng số, quản trị rủi ro, ra mắt các sản phẩm số dành cho khách hàng doanh nghiệp và các sản phẩm tài chính cá nhân tập trung vào phân khúc bán lẻ… Nhờ vậy, huy động vốn thị trường 1 của Ngân hàng này tại ngày 31/12/2024 đạt 338.662 tỷ đồng tăng 53.319 tỷ đồng so với năm trước, tương đương tăng trưởng 18,69%.
Về chất lượng tài sản, tỷ lệ nợ xấu của Ngân hàng LPBank tính đến cuối năm 2024 đạt 1,51% mặc dù tăng so với cuối năm 2023 là 1,34% nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với tỷ lệ quy định của Ngân hàng Nhà nước là <3% và nằm trong top các ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu thấp nhất hệ thống. Bên cạnh đó, các tỷ lệ đảm bảo an toàn của Ngân hàng LPBank, đặc biệt là tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu (CAR) cuối năm 2024 đạt 13,38% cao hơn năm 2023 (12,24%) và cao hơn nhiều mức quy định là 8%.
Đà tăng trưởng lợi nhuận của Ngân hàng LPBank còn được hỗ trợ từ việc đa dạng hóa nguồn thu, nổi bật là doanh thu từ thu phí dịch vụ đóng góp hơn 16% tổng thu nhập, và tiết giảm chi phí khi tỷ lệ chi phí trên thu nhập (CIR) giảm mạnh xuống còn 29%.
Xem thêm: "Ngân hàng LPBank (LPB) sẽ họp Đại hội cổ đông thường niên vào tháng 3/2025" trên Tạp chí Công Thương tại đây.
Ông Nguyễn Đức Thụy, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng LPBank, chia sẻ: “Ngân hàng LPBank luôn chủ động bám sát các chỉ đạo của Đảng, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước để quyết liệt triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm hoàn thành toàn diện các chỉ tiêu kinh doanh và tuân thủ các tỷ lệ đảm bảo an toàn trong hoạt động ngân hàng. Đặc biệt, với cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy, Ngân hàng LPBank đã tinh gọn từ 17 Khối nghiệp vụ xuống còn 8 Khối nghiệp vụ và chính thức triển khai vận hành theo mô hình mới từ ngày 16/12/2024. Mức tăng trưởng lợi nhuận và tổng tài sản ấn tượng mà Ngân hàng LPBank đạt được trong bối cảnh tập trung chuyển đổi toàn diện cho thấy định hướng chiến lược rõ ràng, nhất quán, lấy khách hàng là trọng tâm”.
Kết quả nổi bật này có được nhờ định hướng chiến lược tập trung phân khúc bán lẻ - nơi được đánh giá là có tiềm năng tăng trưởng cao và rủi ro thấp hơn. Tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) đạt 25,1%, cho thấy khả năng sinh lời vượt trội và hiệu quả sử dụng vốn của ngân hàng.
Tag
ĐANG HOT
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm