Thị trường hàng hóa
Hội đồng Quản trị Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (Ngân hàng BIDV, mã cổ phiếu BID - sàn HoSE) vừa công bố Nghị quyết về việc phê duyệt phương án tăng vốn điều lệ thông qua phát hành cổ phiếu để chi trả cổ tức.
Cụ thể, nhà băng này dự kiến sẽ phát hành gần 1,2 tỷ cổ phiếu phổ thông, tương ứng 21% số cổ phiếu đang lưu hành. Thời gian phát hành dự kiến từ quý 4/2024 - quý 1/2025. Nguồn vốn thực hiện được lấy từ nguồn lợi nhuận chưa phân phối luỹ kế của ngân hàng năm 2022 sau khi đã trích lập các quỹ theo luật định.
Sau khi hoàn tất phát hành, vốn điều lệ của Ngân hàng BIDV sẽ tăng thêm gần 11.971 tỷ đồng, lên hơn 68.975 tỷ đồng. Trong đó, phần vốn tăng thêm sẽ được sử dụng cho các hoạt động như tín dụng (cơ cấu danh mục tín dụng, tín dụng bán lẻ, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp FDI); đầu tư cơ sở vật chất, công nghệ, phát triển sản phẩm mới, ngân hàng số; đầu tư; mở rộng kênh phân phối…
Theo danh sách cổ đông lớn của Ngân hàng BIDV tại ngày 27/11/2024, với tỷ lệ sở hữu 80,99% vốn, Ngân hàng Nhà nước sẽ được nhận thêm hơn 969 triệu cổ phiếu BID từ đợt phát hành này. Theo sau là cổ đông ngoại KEB Hana Bank sở hữu 15% vốn, dự kiến được nhận thêm gần 180 triệu cổ phiếu BID mới.
Xem thêm: "Ngân hàng BIDV (BID) sẽ chia cổ tức tỷ lệ 21% và bán 2,9% vốn trong đầu năm sau" trên Tạp chí Công Thương tại đây.
Về tình hình kinh doanh, lũy kế 9 tháng đầu năm, Ngân hàng BIDV ghi nhận thu nhập lãi thuần đạt 42.369 tỷ đồng và lãi trước thuế đạt 22.047 tỷ đồng, lần lượt tăng 3% và 12% so với cùng kỳ năm 2023. Qua đó, hoàn thành 87% kế hoạch lãi trước thuế cả năm nay.
Theo chia sẻ của đại diện Ngân hàng BIDV, tăng trưởng lợi nhuận trước thuế cả năm nay của ngân hàng dự kiến đạt khoảng 10%. Theo đó, lợi nhuận trước thuế riêng quý 4/2024 ước đạt khoảng 8.400 tỷ đồng, tăng khoảng 6% so với cùng kỳ năm 2023.
Bước sang năm 2025, Ngân hàng BIDV đặt kế hoạch tăng trưởng lợi nhuận không thấp hơn năm 2024, tương đương mức thấp nhất là 10%. Đồng thời, NIM của ngân hàng sẽ cải thiện hơn so với năm 2024 nhờ nhu cầu tín dụng phục hồi, đặc biệt là tín dụng bán lẻ, và triển khai các kế hoạch gia tăng tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA).
Về chất lượng tài sản, đại diện Ngân hàng BIDV nhận định nợ xấu của ngân hàng đã tạo đỉnh trong quý 3/2024 và cam kết kiểm soát tỷ lệ nợ xấu cuối năm nay về dưới 1,4%.
Tag
ĐANG HOT
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm