Thị trường hàng hóa
Doanh nghiệp nhỏ và vừa đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, để phát huy hơn nữa vai trò của các doanh nghiệp nhỏ và vừa, cần nhiều giải pháp, đặc biệt là những giải pháp nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của khu vực doanh nghiệp này. Thực tế cho thấy, năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Việt Nam thực sự còn có nhiều hạn chế, do nhiều nguyên nhân khác nhau. Bài viết tập trung phân tích thực trạng năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp nhỏ và vừa, đồng thời đề xuất giải pháp nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh cho khu vực doanh nghiệp này.
Năng lực cạnh tranh quyết định sự tồn tại và phát triển của bất kỳ doanh nghiệp nào. Sự hạn chế về năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp nhỏ và vừa xuất phát từ nhiều nguyên nhân cả chủ quan và khách quan. Trong bối cạnh toàn cầu hóa, việc nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nhỏ và vừa càng đóng vai trò quan trọng. Ở mỗi quốc gia, quan niệm về doanh nghiệp nhỏ và vừa có sự khác nhau, nhưng sự nhìn nhận về vai trò của các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong nền kinh tế là khá đồng nhất. Phân tích, đánh giá đúng thực trạng năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp nhỏ và vừa, trên cơ sở đó đề xuất giải pháp nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của khu vực doanh nghiệp này trong thời gian tới hết sức cần thiết, đặc biệt trong bối cảnh hiện nay.
Quan niệm về doanh nghiệp nhỏ và vừa ở mỗi quốc gia có sự khác nhau nhất định về các tiêu chí quy định doanh nghiệp nhỏ và vừa. Ở Việt Nam, việc phân loại doanh nghiệp nhỏ và vừa được thực hiện theo Nghị định số 39/2018/NĐ-CP ngày 11/3/2018 của Chính phủ về việc quy định chi tiết một số điều của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa theo các tiêu chí cụ thể:
- Theo lao động và doanh thu (Bảng 1)
- Theo lao động và vốn
Theo lao động và vốn, doanh nghiệp nhỏ và vừa (Bảng 2)
Số liệu các bảng trên cho thấy, quy định về doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Việt Nam ngày càng phù hợp hơn với thực tế và xu hướng phát triển của doanh nghiệp.
Trong những năm qua, doanh nghiệp nhỏ và vừa đã có sự phát triển mạnh mẽ cả về số lượng và chất lượng. Theo số liệu thống kê của Tổng cục Thống kê, tính đến ngày 31/12/2019, cả nước có 449.031 doanh nghiệp quy mô siêu nhỏ, chiếm 67,2% số doanh nghiệp cả nước, tăng 10,0% so với cùng thời điểm năm 2018; có 179.319 doanh nghiệp quy mô nhỏ, chiếm 26,8%, tăng 8,6%; có 22.788 doanh nghiệp quy mô vừa, chiếm 3,4%; tăng 10,0%; có 17.367 doanh nghiệp quy mô lớn, chỉ chiếm 2,6%, tăng 3,6% so với cùng thời điểm năm 2018 [3].
Bình quân giai đoạn 2016 - 2020, khu vực doanh nghiệp quy mô nhỏ và vừa chiếm 96,2% trong tổng số doanh nghiệp của cả nước. Khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc huy động các nguồn lực trong xã hội cho đầu tư phát triển, giải quyết các vấn đề xã hội như xóa đói, giảm nghèo, tạo việc làm, đóng vai trò quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và là lực lượng nòng cốt trong hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam, cụ thể:
- Về tạo việc làm và nâng cao mức sống cho người lao động. Theo tính toán của Tổng cục Thống kê, giai đoạn 2016 - 2019, bình quân mỗi năm khu vực doanh nghiệp có quy mô siêu nhỏ thu hút 1,5 triệu lao động, tăng 48,8% so với bình quân giai đoạn 2011 - 2015; khu vực doanh nghiệp quy mô nhỏ thu hút 2,7 triệu lao động, tăng 13,1%; khu vực doanh nghiệp quy mô vừa thu hút gần 1,4 triệu lao động, tăng 13,2% [1]. Điều đáng nói là khu vực doanh nghiệp tư nhân (chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa, chiếm tới 96%) có tỷ suất đầu tư trung bình cho 1 chỗ làm thấp hơn nhiều so với khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa.
- Góp phần tăng kim ngạch xuất khẩu, đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế. Trong những năm qua, doanh nghiệp nhỏ và vừa đã trở thành đội quân chủ lực trong chiến lược đẩy mạnh xuất khẩu của Việt Nam, thể hiện các doanh nghiệp nhỏ và vừa đã chiếm tỷ trọng chính trong một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như thủ công mỹ nghệ, chế biến nông sản, hải sản, may mặc, giày dép... Tính đến nay, số lượng doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia kinh doanh xuất, nhập khẩu chiếm khoảng 90% tổng số doanh nghiệp tham gia kinh doanh xuất nhập khẩu trên cả nước.
- Đóng góp vào ngân sách Nhà nước. Khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa ngày càng chiếm tỷ trọng cao trong thu ngân sách của cả nước. Đặc biệt, khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa đóng góp cho ngân sách có tốc độ tăng tương đối cao, bình quân hàng năm đạt trên 20% giai đoạn 2016 - 2020.
Sự đóng góp của các doanh nghiệp nhỏ và vừa đối với phát triển kinh tế - xã hội của đất nước là rất lớn, nhưng năng lực cạnh tranh của khu vực doanh nghiệp này còn tồn tại một số hạn chế:
- Doanh nghiệp nhỏ và vừa có trình độ công nghệ và khoa học kỹ thuật thấp. Điều này làm hạn chế khả năng đổi mới sản phẩm, phát triển sản phẩm mới… Nhìn chung, doanh nghiệp nhỏ và vừa có dây chuyền sản xuất đơn giản, hạn chế về năng lực công nghệ, chủ yếu áp dụng các phương thức kinh doanh truyền thống và sử dụng các công nghệ lạc hậu, các chủ doanh nghiệp thường không nhận thức đầy đủ vai trò đổi mới công nghệ. Nếu có nhận thức đúng về vai trò của công nghệ thì cũng rất khó có thể đổi mới công nghệ do hạn chế về khả năng tài chính, cũng như trình độ quản lý.
- Năng lực nghiên cứu và triển khai (R&D) yếu kém. Đây là năng lực thể hiện khả năng triển khai, phát triển các sản phẩm mới, quy trình mới. Ngân quỹ dành cho R&D của các doanh nghiệp nhỏ và vừa còn ít, do vậy các doanh nghiệp rất khó có thể tạo ra các đột phá về năng lực cạnh tranh sản phẩm. Nguyên nhân là do doanh nghiệp chưa quen với cạnh tranh toàn cầu, khả năng tài chính hạn chế, chất lượng nguồn nhân lực chưa cao, đặc biệt không ít doanh nghiệp còn có nhận thức chưa đẩy đủ về vai trò của R&D.
- Năng lực tài chính hạn chế. Thực tế cho thấy, hầu hết vốn của các doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam rất thấp nên đã hạn chế nhiều trong đổi mới công nghệ, mở rộng quy mô sản xuất - kinh doanh. Công nghệ lạc hậu kéo hiệu quả sử dụng vốn thấp, khả năng cạnh tranh thấp. Vốn ít đã khiến các doanh nghiệp chưa thể xây dựng chiến lược kinh doanh dài hạn. Doanh nghiệp nhỏ và vừa còn gặp nhiều khó khăn trong việc vay tín dụng ngân hàng để mở rộng sản xuất - kinh doanh. Các doanh nghiệp hiện chủ yếu phải sử dụng vốn vay thương mại, do vậy thường phải chịu sức ép rất lớn về tài chính.
- Mức độ liên kết, hợp tác trong sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp chưa cao. Khả năng liên kết, hợp tác trong sản xuất - kinh doanh kém nên đã hạn chế năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp.
- Trình độ quản lý, điều hành và kỹ năng kinh doanh trên thị trường quốc tế kém. So với các doanh nghiệp lớn, năng lực quản lý, điều hành của các chủ doanh nghiệp nhỏ và vừa rất hạn chế, các chủ doanh nghiệp chưa được đào tạo bài bản về quản trị doanh nghiệp, marketing, kỹ năng kinh doanh, đàm phán,… Hoạt động quản trị doanh nghiệp vẫn chủ yếu dựa trên kinh nghiệm nên rất khó trong việc mở rộng quy mô sản xuất - kinh doanh.
- Khả năng nắm bắt cơ hội thị trường hạn chế. Hầu hết các doanh nghiệp nhỏ và vừa rất khó tận dụng các cơ hội cũng như vượt qua những thách thức. Nguyên nhân là do những hạn chế về vốn, công nghệ, trình độ quản lý.
Những hạn chế về năng lực cạnh tranh nên các doanh nghiệp nhỏ và vừa chỉ tập trung vào ngành, lĩnh vực dễ hoạt động như thương mại, dịch vụ, ngành nghề truyền thống, giản đơn như buôn bán nhỏ, may mặc, giày dép và nông sản, thực phẩm.
Điều đáng lưu ý, hiện các doanh nghiệp vừa và nhỏ gặp nhiều khó khăn.. Điều này được thể hiện khá rõ là trong 2 năm qua dịch bệnh do COVID-19 gây ra đã tác động rất lớn đến các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Các ngành bị ảnh hưởng nặng nề nhất là: du lịch, dịch vụ, vận tải, các doanh nghiệp sản xuất tại các khu công nghiệp. Thống kê trong năm 2021 có hơn 100.000 doanh nghiệp đã phải đóng cửa, giải thể.
Quá trình toàn cầu hóa đang diễn ra hết sức mạnh mẽ, đặc biệt trong điều kiện Việt Nam tham gia các hiệp định thương mại song phương, đa phương, vì vậy, việc cạnh tranh giữa các doanh nghiệp càng diễn ra gay gắt. Để có thể hội nhập thành công, các doanh nghiệp cần nâng cao năng lực cạnh tranh.
- Tạo môi trường sản xuất - kinh doanh thuận lợi. Nhà nước cần tăng cường cải cách thủ tục đăng ký kinh doanh thành lập doanh nghiệp, thực hiện tốt cơ chế “một cửa liên thông” trong đăng ký kinh doanh. Tiếp tục mở rộng các hình thức đăng ký kinh doanh như đăng ký kinh doanh trực tuyến để tạo điều kiện cho doanh nghiệp sớm gia nhập thị trường và giảm các chi phí không cần thiết cho doanh nghiệp. Cải cách hành chính trong thủ tục, quy trình nộp thuế và hoạt động của các tổ chức tín dụng,…
- Phát triển đồng độ các loại thị trường như thị trường tài chính, tiền tệ, chứng khoán, bất động sản, khoa học, công nghệ và thị trường lao động để giúp các doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận các nguồn lực đầu vào cũng như giải quyết các vấn đề đầu ra.
- Đa dạng hóa các kênh tiếp cận vốn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa. Trong thực tế, doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận vốn từ nhiều nguồn khác nhau, nhưng tiếp cận vốn từ các tổ chức tín dụng vẫn là kênh chính và quan trọng đối với khu vực doanh nghiệp này. Do vậy, để tháo gỡ khó khăn, Chính phủ cần tăng cường hỗ trợ việc cung cấp thông tin, tình hình hoạt động và khả năng chi trả của doanh nghiệp. Từ đó, khuyến khích các tổ chức tín dụng liên kết, tạo nên một hệ thống dữ liệu về doanh nghiệp nhỏ và vừa, cũng như minh bạch các tiêu chí cần thiết về tiếp cận tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa. Đồng thời, có cơ chế khuyến khích đối với các tổ chức tín dụng thực hiện hiệu quả hỗ trợ tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa.
- Tăng cường hỗ trợ thông tin thị trường và xúc tiến thương mại cho các doanh nghiệp. Do hạn chế về tài chính và nhân lực nên các doanh nghiệp nhỏ và vừa rất khó có thể tự mình nghiên cứu thị trường và xúc tiến thương mại, do vậy Nhà nước cần có những biện pháp, chính sách cung cấp thông tin thị trường, xúc tiến thương mại.
- Hoàn thiện cơ cấu tổ chức của doanh nghiệp thích ứng với điều kiện hội nhập. Đây là vấn đề hết sức quan trọng nhằm phát huy và sử dụng tốt nguồn nhân lực cũng như các nguồn lực khác của doanh nghiệp, trên cơ sở đó nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp. Chỉ có cơ cấu, tổ chức hợp lý thì doanh nghiệp mới có điều kiện mở rộng phát triển sản xuất - kinh doanh một cách hiệu quả.
- Tăng cường nâng cao trình độ chuyên môn nguồn nhân lực. doanh nghiệp vừa phải tăng cường đào tạo, bồi dưỡng phát huy nguồn nhân lực hiện có, vừa phải tạo môi trường thuận lợi để thu hút nguồn nhân lực có chất lượng cao từ bên ngoài, song song với việc làm này là cần tổ chức sắp xếp bộ máy quản lý của doanh nghiệp một cách gọn nhẹ, hoạt động hữu hiệu.
- Tăng cường đổi mới khoa học - công nghệ. Cần nâng cao nhận thức về vai trò của khoa học - công nghệ trong nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. Tập trung ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ trong sản xuất - kinh doanh. Định vị rõ được vị thế của doanh nghiệp trong chuỗi giá trị và xây dựng, lựa chọn được định hướng, mục tiêu và chiến lược phát triển công nghệ của doanh nghiệp. Ngoài ra, doanh nghiệp cần đẩy mạnh chuyên môn hóa, tích cực tham gia các chuỗi gia công, chế biến toàn cầu để nâng cao trình độ quản lý cũng như năng lực áp dụng công nghệ.
- Đẩy mạnh đầu tư cho các hoạt động nghiên cứu thị trường, xúc tiến thương mại và xây dựng thương hiệu. Doanh nghiệp cần hình thành, xây dựng bộ phận marketing có cán bộ trình độ chuyên môn cao, có kinh nghiệm điều tra và dự báo thị trường, trên cơ sở đó giúp chủ doanh nghiệp hoạch định chiến lược kinh doanh một cách có hiệu quả. Tập trung xây dựng thương hiệu doanh nghiệp để thu hút các nguồn lực từ bên ngoài như vốn, công nghệ, nhân lực cũng như dễ ràng hơn trong thu hút các đối tác, mở rộng thị trường, trên cơ sở đó nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.
- Tăng cường liên doanh, liên kết. Trong bối cảnh hiện nay việc liên doanh, liên kết trong hoạt động sản xuất - kinh doanh đóng vai trò quan trọng. Do vậy, để nâng cao năng lực cạnh tranh, mở rộng thị trường các doanh nghiệp cần phải tăng cường liên doanh, liên kết. Theo đó cần xác định đúng điểm mạnh, điểm yếu của doanh nghiệp, xác định đúng các hình thức, phương thức liên doanh, liên kết để phát huy tốt hiệu quả từ liên doanh, liên kết.
- Cần tăng cường xây dựng văn hóa doanh nghiệp nhằm tạo ra sự khác biệt, trên cơ sở đó nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.
- Các hiệp hội, nhất là hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa cần tăng cường sự liên kết, hỗ trợ các hoanh nghiệp nhỏ và vừa để giúp hội viên phát huy được thế mạnh, nâng cao năng lực cạnh tranh.
- Phát huy vai trò trong tập hợp các đề xuất của các hội, kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền để tháo gỡ những vướng mắc phát sinh trong quá trình hoạt động sản xuất - kinh doanh của các doanh nghiệp nhỏ và vừa.
- Xây dựng, xác định các phương hướng liên kết, liên doanh và hợp tác trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm trên cơ sở tự nguyện của các doanh nghiệp nhỏ và vừa, từ đó phát huy sở trường, thế mạnh, bảo vệ quyền lợi chính đáng của các doanh nghiệp nhỏ và vừa trên thương trường. Tăng cường hơn nữa mối quan hệ hợp tác giữa các hiệp hội doanh nghiệp nhằm nâng cao vị thế và uy tín của cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa.
- Hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực, nhất là đào tạo về công tác quản trị doanh nghiệp, marketing, kỹ năng đàm phán,…
Doanh nghiệp nhỏ và vừa là một bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế, đóng góp ngày càng lớn trong phát triển kinh tế - xã hội. Do vậy, việc nâng cao năng lực cạnh tranh cho khu vực doanh nghiệp này là hết sức cần thiết. Để nâng cao năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa cần phải có sự vào cuộc của Nhà nước, sự nỗ lực vươn lên của chính doanh nghiệp và sự hỗ trợ giúp đỡ của các hiệp hội.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
Trương Thu Hương & Đỗ Văn Chúc (2021), Giải pháp để doanh nghiệp nhỏ và vừa trụ vững trong đại dịch Covid 19. Tạp chí Tài chính, kỳ 2 tháng 6.
Trần Thị Thanh Tâm (2015), Giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động đối với DNNVV. Tạp chí Tài chính, kỳ 2 tháng 12.
Tổng cục Thống kê (2021), “Sách trắng - Doanh nghiệp Việt Nam 2021”, tập 1, 2, Nhà xuất bản Thống kê, Hà Nội.
Tổng cục Thống kê (2020), “Niên giám thống kê”, Nhà xuất bản Thống kê, Hà Nội.
Tag
ĐANG HOT
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm