Thị trường hàng hóa
Những ngày cuối năm, thị trường bất động sản đang nhận được sự tác động tích cực từ nhiều yếu tố trong nền kinh tế chung.
Thống kê của Batdongsan.com.vn cho thấy, lượng tin đăng cắt lỗ đất nền đã giảm trong những quý cuối năm. Với chung cư, mặt bằng giá không giảm, nhưng khả năng mua nhà của người dân gia tăng nhờ các chính sách ưu đãi linh hoạt từ chủ đầu tư.
Về tâm lý thị trường, chỉ số này trong nửa đầu năm 2024 tăng 3 điểm so với nửa cuối năm 2023. Sau 4 lần liên tục giảm thì đây là lần tăng đầu tiên chỉ số này ghi nhận đà tăng.
Trong bối cảnh thị trường địa ốc trải qua một năm đầy thử thách, nhu cầu sở hữu bất động sản của người dân vẫn luôn hiện hữu. Khoảng 65% số người tham gia một khảo sát gần đây của đơn vị có dự định mua bất động sản trong một năm tới. Trong số đó, 60% người mua để phục vụ mục đích đầu tư.
Tuy nhiên, dự báo về thị trường bất động sản trong năm 2024, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) Nguyễn Văn Đính cho rằng, thị trường bất động sản trong năm 2024 sẽ chưa thể sớm trở lại guồng quay sôi động như giai đoạn trước.
Năm 2024 sẽ không có nhiều sản phẩm ra mắt thị trường do dự án của các chủ đầu tư vẫn chưa thể giải quyết tận gốc các vướng mắc. Cuối tháng 11, Luật Nhà ở (sửa đổi) và Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) đã được thông qua, song vẫn còn Luật Đất đai chưa được phê duyệt.
Chưa kể với hai luật vừa thông qua, phải đợi tới đầu năm 2025 mới có hiệu lực thi hành. Điều này có nghĩa trong cả năm tới, những chính sách mới chưa được mang vào áp dụng để tháo gỡ vướng mắc cho loạt dự án đang nằm đợi cơ chế. Từ đây, kéo theo nguồn cung năm sau chưa thể được cải thiện, thị trường tiếp tục rơi vào tình trạng khó khăn.
Bên cạnh đó, các tác động từ khủng hoảng, suy thoái chung của thế giới vẫn sẽ ảnh hưởng đến Việt Nam. Chúng ta vẫn cần thêm nhiều chính sách vĩ mô hơn nữa để điều tiết tỷ lệ lạm phát và tỷ giá hối đoái.
Chính sách tiền tệ nhiều khả năng tiếp tục được Nhà nước thắt chặt, do đó dòng tiền trên thị trường là không nhiều, bất động sản vẫn tiếp tục khó khăn.
Các chủ dự án bắt buộc phải tự cứu mình bằng cách tái cấu trúc sản phẩm nhằm gia tăng thanh khoản, bán được hàng. Phải điều chỉnh thay vì chú trọng vào sản phẩm cao cấp, hạng sang thì chuyển sang tập trung vào phân khúc bình dân, trung, thấp cấp, khi đó mới có thể tiêu thụ nhanh chóng. Tuy nhiên, giải pháp này chỉ áp dụng với những dự án đang tồn tại.
Còn với những dự án mới, Chính phủ vẫn tiếp tục thúc đẩy tháo gỡ, song tôi nghĩ tốc độ đẩy hàng sẽ chậm chứ không ồ ạt vì tâm lý cẩn trọng, tránh sai phạm. Nhiều khả năng lượng giao dịch có thể tốt hơn năm 2023. Song, mức độ tăng trưởng chỉ nhích nhẹ chứ không đột biến.
ĐANG HOT
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm