Thị trường hàng hóa
Thị trường bất động sản Việt Nam đang trong giai đoạn trầm lắng, vì nguồn cung khan hiếm, thanh khoản của thị trường đang chạm đáy. Dù vậy, theo nhận định của giới chuyên gia, thị trường mới đang chỉ ở suy yếu, chứ chưa suy thoái và sẽ sớm phục hồi trong thời gian tới.
Ông Lê Đình Hảo, Giám đốc Khối kinh doanh Batdongsan.com.vn nhận định, quý IV/2022 khả năng thanh khoản trên thị trường vẫn chậm, nhưng tới cuối quý các chỉ số sẽ tốt hơn.
Ông Hảo phân tích: trong quý cuối cùng của năm, các dòng lợi nhuận từ sản xuất kinh doanh thường đổ vào bất động sản, hơn nữa đầu tư công, vốn FDI cũng thường được đẩy mạnh vào thời gian này. Kiều hối đổ về nước dự kiến năm nay thu hút 14-16 tỷ USD là trợ lực dòng tiền giúp thị trường cuối năm có thanh khoản tốt hơn.
Về thị trường các tháng đầu năm 2023, theo ông Hảo sẽ dần ổn định hơn khi chính sách liên quan lãi suất tín dụng, tỷ giá được ban hành ổn định.
Thị trường hiện cũng đang được hỗ trợ bởi chính sách 2% cho doanh nghiệp (gói 25.000 tỷ) và người mua nhà (gói 15.000 tỷ), nhưng hiện tại chưa hấp thụ tốt, vì doanh nghiệp được hỗ trợ phải đảm bảo các điều kiện như không có nợ xấu, có tài sản đảm bảo, dòng tiền ổn định...
Tuy nhiên, năm 2023 khi ổn định chính sách lãi suất thì các doanh nghiệp sẽ có nhiều cơ hội tiếp cận, giúp thị trường ổn định hơn.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cũng cho rằng, sang năm 2023, khi có room tín dụng mới sẽ giúp thị trường bất động sản sôi động hơn so với hiện tại. Song, sẽ không có chuyện “sốt đất” xảy ra như đầu năm 2022. Dòng tiền room tín dụng mới tuy không nhiều nhưng giúp thị trường có thêm giao dịch từ người mua nhà thực và các nhà đầu tư bất động sản nhỏ lẻ.
“Còn các doanh nghiệp chủ yếu nguồn vốn phát triển từ huy động trái phiếu và vốn vay từ ngân hàng. Do đó, khi nguồn vốn chính tiếp tục bị ảnh hưởng thì câu chuyện nhức nhối của thị trường vẫn là nguồn cung bất động sản vẫn khan hiếm. Do đó, room tín dụng năm 2023 chưa chắc đã giải quyết được vấn đề gốc rễ”, ông Đính nói.
Vị chuyên gia cho rằng, hiện đang trong quá trình để sửa đổi luật liên quan tới bất động sản, một số nhà đầu tư trong thời gian này ngại xuống tiền. Đến khi sửa xong luật, khi mọi thứ đã rõ ràng thị trường sẽ có động lực để hồi phục mạnh mẽ.
Ở khía cạnh tích cực khác, TS. Nguyễn Văn Đính cho biết, qua nhiều giai đoạn khủng hoảng thị trường bất động sản những năm 2008, 2013, Chính phủ cũng đã có những chính sách can thiệp linh hoạt để kích hoạt lại thị trường. Những gói hỗ trợ kinh tế hay Nghị quyết 02/NQ-CP cải thiện tín dụng nhà ở đã tạo cú hích cho thị trường. Hay chủ trương chia nhỏ căn hộ diện tích lớn theo Thông tư 02/2013/TT-BXD, mà không cần sửa quy hoạch đã góp phần làm “tan băng” thị trường bất động sản thời điểm đó.
Đặc biệt, gói hỗ trợ kích cầu sau đại dịch với 350.000 tỷ đồng đã tạo ra nhiều hiệu quả trong việc xử lý khủng hoảng. Do vậy, việc quyết định thành lập Tổ công tác hỗ trợ thị trường mới đây, chính thời điểm hiện tại sẽ có thể mang lại những kết quả tích cực.
Ông Nguyễn Mạnh Hà, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Bất động sản Việt Nam bày tỏ, ông hy vọng năm 2023, thị trường tài chính sẽ phục hồi trở lại, để các nguồn vốn tiếp tục chảy vào thị trường bất động sản, giúp các doanh nghiệp vượt qua khó khăn, thị trường thoát khỏi cảnh trầm lắng và hướng tới phát triển bền vững hơn.
"Ở quý đầu năm 2023, Chính phủ sẽ có những động thái tháo gỡ mạnh mẽ hơn, đồng thời room tín dụng được mở ra trở lại để các ngân hàng có thể tiếp tục cho vay. Các doanh nghiệp cũng sẽ dần làm quen, thích nghi với những quy định mới về phát hành trái phiếu. Như vậy, thị trường bất động sản sẽ có thêm các nguồn cung tiền tệ để tạo đà phát triển trở lại", ông Hà nhận định.
Tag
ĐANG HOT
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm