Thị trường hàng hóa
Tại cuộc họp Tổ điều hành thị trường trong nước thường kỳ tháng 6/2023 diễn ra sáng 30/6, bà Nguyễn Thu Oanh - Vụ trưởng Vụ Thống kê giá – Tổng cục Thống kê thông tin, Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6/2023 tăng 0,27% so với tháng trước.
Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính, có 10 nhóm hàng tăng giá so với tháng trước và chỉ 1 nhóm hàng giảm giá.
Trong 10 nhóm hàng hóa, dịch vụ tăng giá, nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tháng 6/2023 tăng 0,57% so với tháng trước, tác động làm CPI chung tăng 0,19 điểm phần trăm.
Trong đó, chỉ số giá nhóm lương thực chỉ tăng nhẹ 0,09%; nhóm thực phẩm tăng 0,72%, tác động làm CPI tăng 0,15 điểm phần trăm; ăn uống ngoài gia đình tăng 0,42%, tác động tăng 0,04 điểm phần trăm.
Chỉ số giá nhóm đồ uống và thuốc lá tháng 6/2023 cũng tăng 0,16% so với tháng trước do thời tiết nắng nóng, oi bức nên nhu cầu tiêu dùng đồ uống giải khát tăng.
Nhóm may mặc, mũ nón và giày dép tháng 6 tăng 0,11% so với tháng trước do nhu cầu tiêu dùng tăng vào mùa hè.
Nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 0,07% so với tháng trước chủ yếu do giá điện sinh hoạt tháng 6 tăng 2,72% so với tháng trước, giá nước sinh hoạt tăng 0,41% do thời tiết nắng nóng kéo dài, dẫn đến nhu cầu sử dụng điện, nước của người dân tăng lên.
Nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tháng 6/2023 tăng 0,19% so với tháng trước, tập trung chủ yếu ở các mặt hàng điện lạnh do thời tiết nắng nóng nên nhu cầu tiêu dùng tăng.
Nhóm giao thông tháng 6/2023 tăng 0,16% so với tháng trước làm CPI chung tăng 0,02 điểm phần trăm, chủ yếu do giá xăng, dầu trong nước tăng 0,5% so với tháng trước, tác động làm CPI chung tăng 0,02 điểm phần trăm.
Nhóm giáo dục, nhóm văn hóa, giải trí và du lịch lần lượt tăng 0,11% và 0,34% so với tháng trước. Trong khi, nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,26% so với tháng trước.
Nhóm hàng hóa và dịch vụ duy nhất giảm giá trong tháng 6 là bưu chính viễn thông với mức giảm 0,23% so với tháng trước.
So với cùng kỳ năm trước, CPI tháng 6/2023 tăng 2%. Trong 11 nhóm hàng tiêu dùng chính có 9 nhóm tăng giá và 2 nhóm giảm giá.
So với tháng 12/2022, CPI tháng 6 tăng 0,67%, trong đó có 9 nhóm hàng tăng giá và 2 nhóm giảm giá.
CPI cả quý 2/2023 tăng 2,41% so với cùng kỳ năm 2022, chủ yếu do nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 6,03% so với cùng kỳ năm trước; nhóm dịch vụ giáo dục tăng 6,03%; giá điện sinh hoạt tăng 3,53%; giá các mặt hàng thực phẩm tăng 2,8%; nhóm văn hóa, giải trí và du lịch tăng 2,6%; giá gạo trong nước tăng 2,53%.
Về những yếu tố tác động đến CPI từ nay đến cuối năm, bà Nguyễn Thu Oanh chỉ rõ, hiện nay giá nguyên nhiên vật liệu, xuất nhập khẩu có xu hướng tăng giảm khác nhau. Tuy nhiên nhìn chung, nguyên nhiên vật liệu vẫn cao và tạo áp lực lên doanh nghiệp trong bối cảnh gặp khó khăn.
Áp lực sẽ tác động đến CPI cuối năm khi điều chỉnh giá dịch vụ do nhà nước quản lý theo hướng tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế giáo dục, sẽ tác động mạnh đến CPI. Nếu học phí tăng đúng lộ trình vào tháng 9 thì sẽ tác động mạnh đến CPI.
Bên cạnh đó, việc tăng lương kể từ ngày 1/7 sẽ kéo theo giá dịch vụ tiêu dùng. Đây là điểm được quan tâm rất lớn. Tuy nhiên, theo nghiên cứu của Tổng cục Thống kê, khi tăng lương cơ bản thì giá lương thực thực phẩm sẽ có xu hướng tăng theo. Trong khi giá này chiếm quyền số cao trong CPI.
“Tuy nhiên, mức tiêu dùng của ta đang thấp và luôn đảm bảo được nguồn cung hàng hóa thiết yếu nên việc tăng lương có thể làm tăng giá hàng hoá nhưng mức tăng sẽ không đột biến” – bà Oanh nêu rõ. Đồng thời đề nghị, lực lượng quản lý thị trường cần tăng cường thanh tra, kiểm tra để bình ổn thị trường, tránh tình trạng “té nước theo mưa”.
Bên cạnh đó, tình hình mưa bão, thiên tai từ nay đến cuối năm sẽ làm ảnh hưởng đến các địa phương. Giải ngân đầu tư công tập trung vào cuối năm cũng sẽ làm ảnh hưởng đến giá cả hàng hóa.
“Dù áp lực cho 6 tháng cuối năm vẫn nhiều nhưng với kinh nghiệm điều hành giá nhiều năm qua, khả năng cao CPI sẽ đảm bảo đạt khoảng 4,5% như mục tiêu đã đặt ra” – bà Nguyễn Thị Thu Oanh nói.
Đánh giá về tình hình CPI từ nay đến cuối năm, đại diện Cục Quản lý giá – Bộ Tài chính thông tin, có một số yếu tố sẽ tác động đến CPI từ nay đến cuối năm là giá xăng dầu, giá vật liệu xây dựng và giá giáo dục.
“Dù mục tiêu kiểm soát CPI 4,5% có thể đạt được song vấn đề đặt ra là phải kiểm soát tốt các mặt hàng do Nhà nước quản lý giá” – đại diện Cục Quản lý giá nêu rõ.
Riêng với vấn đề xăng dầu, ông Trần Ngọc Năm – Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam cho biết, 6 tháng cuối năm, giá xăng dầu là ẩn số mà chúng ta đều phải thống nhất là khó dự báo. “Chúng tôi thường xuyên phải tham khảo dự báo của các tổ chức, song mọi yếu tố diễn biến rất khó lường. Dự báo giá giữa cơ quan đưa ra mức giá thấp và cao nhất chênh lệch đến 30 USD/thùng” – ông Năm cho biết.
Tuy nhiên tin vui là Quỹ Bình ổn giá xăng dầu của Tập đoàn đã được hồi phục với số dư 3.200 tỷ đồng tính đến cuối tháng 6/2023, tạo dư địa cho điều hành giá. Bên cạnh đó, đối với nguồn cung trong nước, trong bối cảnh Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn có kế hoạch bảo dưỡng từ 25/8, sẽ tác động đến nguồn cung của thương nhân vào tháng 9, 10. Tuy nhiên, do Bộ Công Thương đã có kế hoạch phân giao nhập khẩu ngay từ đầu năm nên dự kiến việc dừng để bảo dưỡng nhà máy theo định kỳ sẽ không ảnh hưởng đến nguồn cung do doanh nghiệp đã tăng nhập khẩu để bù đắp cho nguồn thiếu hụt.
ĐANG HOT
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm