Thị trường hàng hóa
Matt Miller, 32 tuổi, nghĩ rằng anh ấy sẽ được thăng chức khi có cuộc họp riêng với sếp. Nhưng thay vào đó, anh lại bị sa thải. Công việc kinh doanh tại công ty nghệ thuật Pennsylvania nơi Miller làm việc đang gặp khó khăn trong những tháng gần đây do những lo lắng về việc thị trường chứng khoán sụp đổ và một cuộc suy thoái có thể xảy ra.
“Trong 3 tháng qua, doanh số bán hàng đã giảm 50%, rồi lại giảm thêm 50% cho đến khi về con số 0. Hầu hết các khách hàng của chúng tôi đều làm trong lĩnh vực bất động sản hoặc công nghệ, và họ không còn sẵn sàng chi 10.000 USD cho một bức tranh do lo lắng nền kinh tế sẽ sụp đổ trong vài tháng nữa”, Miller nói.
Thị trường lao động, cho đến nay là trụ cột của sức bật kinh tế, đang cho thấy những vết rạn nứt. Tăng trưởng việc làm đang chậm lại, các đơn xin trợ cấp thất nghiệp đang tăng lên và một số công ty lớn, bao gồm Apple và Meta, đang tạm dừng kế hoạch tuyển dụng.
Ngày 21/7, chuỗi cửa hàng tiện lợi 7-Eleven thông báo đã cắt giảm khoảng 880 việc làm tại Mỹ. Nhà sản xuất ô tô Ford cũng đang có kế hoạch cho sa thải 8.000 nhân sự trong những tuần tới. Tương tự, nhà sản xuất ô tô điện Rivian dự kiến cắt giảm 700 vị trí.
Theo Liz Ann Sonders, Giám đốc điều hành kiêm chiến lược gia đầu tư tại Charles Schwab, chưa bao giờ những tin tức tích cực về thị trường lao động tại Mỹ lại ít như hiện tại. Các thông tin tiêu cực chồng lên nhau khi các công ty liên tục thông báo cắt giảm nhân sự, đóng băng hoặc hạn chế tuyển dụng. Đồng thời, Julia Pollak, nhà phân tích tại ZipRecruiter cho biết, số lượng tin tuyển dụng trên các nền tảng trực tuyến đã giảm trong 5 tuần liên tiếp.
Cùng với đó, số đơn xin hưởng trợ cấp thất nghiệp tại Mỹ đã tăng lên 244.000 đơn trong tuần kết thúc vào ngày 9/7. Đây là mức cao nhất kể từ giữa tháng 11/2021.
Vài tuần trước, Neal Kemmerer đã mất việc tại một công ty chế tạo người máy. Kể từ đó, ông bố đơn thân với 2 con nhỏ đã nộp đơn xin việc tới ít nhất 300 công ty nhưng chỉ nhận được duy nhất một cuộc hẹn phỏng vấn. Kemmerer thường xuyên được thông báo rằng các vị trí mà anh ứng tuyển đã bị đình chỉ tuyển dụng. Điều này trái ngược với với tình hình vào tháng 1, khi anh nhận được tới 4 lời mời làm việc.
Kemmerer từng kiếm được 48.000 USD mỗi năm với tư cách là lãnh đạo công ty Starship Technologies, công ty sản xuất robot giao đồ ăn. Nhưng giờ đây, hầu hết các cơ hội mà anh ấy tìm được có mức lương tối đa là 19 USD/giờ, hoặc dưới 40.000 USD/năm.
Tương tự như Kemmerer, Ethan Engel đã mất việc tại công ty bảo hiểm Phoenix trong tháng này. Tất cả 60 người tham gia cùng dự án với anh đã bị cho thôi việc. Lý do họ nhận được là do mối lo ngại về một cuộc suy thoái đang đến gần.
Engel đã dành nhiều tuần để nộp đơn xin việc tới hàng chục công ty trong lĩnh vực phân tích dữ liệu, quốc phòng, hàng không vũ trụ, ngân hàng và bảo hiểm, nhưng vẫn chưa nhận được cuộc hẹn phỏng vấn nào. Cuối cùng, anh ấy đã đăng ký trở thành một tài xế giao hàng của Amazon. Nếu được nhận, mức lương của cựu nhân viên công nghệ sẽ giảm tới 30% so với trước kia. “Tôi cần tìm một công việc bất kỳ. Tôi cần tiền để sống”, Engel nói.
Người lao động Mỹ đang chứng kiến mức tăng lương không đuổi kịp đà tăng giá tiêu dùng. Lạm phát tại Mỹ trong tháng 6 đã tăng 9,1% - mức cao nhất trong vòng 40 năm. Thu nhập trung bình hàng giờ đã tăng hơn 9% trong hai năm qua, trong khi giá cả tăng khoảng 15% trong cùng thời kỳ đó.
Trong bối cảnh lạm phát chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) được dự đoán sẽ tiếp tục nâng lãi suất thêm 75 điểm cơ bản vào cuối tháng này. Điều này khiến lo ngại về một cuộc suy thoái ngày càng gia tăng. Các nhà kinh tế từ BofA Securities dự báo kinh tế Mỹ có 40% nguy cơ rơi vào suy thoái trong năm tới.
Tag
ĐANG HOT
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm