Thị trường hàng hóa
Năm 2013, Alipay, phần mềm thanh toán của Alibaba, đã ghi nhận gần 150 tỷ USD trong các giao dịch di động. Tại thời điểm đó, doanh thu của Alipay cao hơn rất nhiều so với Paypal, khi đó công ty của Mỹ chỉ ghi nhận khối lượng giao dịch ở mức 27 tỷ USD.
Kể từ đó đến nay, Alipay vẫn độc tôn trên đỉnh bảng xếp hạng các phần mềm thanh toán được ưa chuộng nhất thế giới. Chiều ngược lại, Paypal đang cho thấy sự đi xuống khi công ty gặp khó trong việc giữ chân những khách hàng khó tính.
Thậm chí, Paypal từng không ít lần đánh mất vị trí số hai vào tay của Google Pay. Google Pay hiện có 421 triệu người dùng đang hoạt động, cao hơn con số 377 triệu của Paypal. Cạnh tranh sát sao với Paypal và Google Pay lần lượt là WeChat Pay và Apple Pay.
Trung Quốc đang cho thấy sự vươn lên mạnh mẽ trong ngành thanh toán kỹ thuật số. 2/5 công ty hàng đầu trong lĩnh vực này thuộc về Trung Quốc, đó là Alipay và WeChat Pay. Trong khi Alipay được điều hành bởi tập đoàn khổng lồ Alibaba thì WeChat Pay lại thuộc quyền kiểm soát của Tencent.
Alipay là dịch vụ mặc định cho Tmall và Taobao của Alibaba – hai nền tảng thương mại lớn nhất Trung Quốc. Phía WeChat Pay, đây là dịch vụ mặc định của WeChat – ứng dụng phổ biến nhất đất nước tỷ dân.
Các nền tảng thanh toán trực tuyến của Trung Quốc đang thống trị tại khu vực châu Á nói chung và khu vực Đông Á nói riêng. Điều này cho thấy các thương hiệu toàn cầu như Apple và Google đang thực sự thất thế và khả năng trong tương lai không xa, hai gã khổng lồ sẽ bị “đánh bật” khỏi châu Á.
Cho đến nay, Trung Quốc vẫn giữ tỷ lệ thanh toán di động cao nhất thế giới. Với những người hát rong, hàng quán ăn uống đường phố cho đến taxi, họ đều cung cấp mã QR để giúp khách hàng thanh toán thuận tiện. Theo dự đoán, trong năm nay, sẽ có hơn nửa tỷ người Trung Quốc áp dụng mô hình thanh toán điện tử khi đi ăn tại các cửa hàng.
Nhà phân tích của chuyên trang Statista Digital Market Outlook cho rằng: “Dẫu cho các phần mềm thanh toán của Trung Quốc ghi nhận số lượng người dùng cao. Nhưng xét về tổng giá trị giao dịch hàng năm trên mỗi khách hàng, Mỹ và một số quốc gia châu Âu như Anh và Bồ Đào Nha đang cho thấy sự nhỉnh hơn quốc gia tỷ dân”.
“Người tiêu dùng Trung Quốc trung bình chi khoảng 4000 USD cho các ứng dụng thanh toán. Trong khi ở Mỹ và Anh, con số này là 14000 USD và ở Singapore là 13000 USD”, đại diện của Statista Digital Market Outlook nói thêm.
Mặt khác, Ma-rốc và Ai Cập có tỷ lệ sử dụng nền tảng thanh toán trực tuyến không cao. Một phần lý do được cho là các ngân hàng và khách hàng vẫn đang lưỡng lự, chưa hoàn toàn tin tưởng các ứng dụng thanh toán trong nước. Theo nghiên cứu của Merchant Machine, Ma-rốc là quốc gia phụ thuộc nhiều nhất vào tiền mặt, với 74% các khoản thanh toán dùng tiền mặt, 71% dân số không sử dụng ngân hàng và chỉ có 0,2% sử dụng thẻ tín dụng.
ĐANG HOT
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm