Thị trường hàng hóa
Giá gạo xuất khẩu tăng cao kỷ lục trong 2 tuần qua đã thúc đẩy sự quan tâm của giới đầu tư đến nhóm cổ phiếu gạo, bao gồm cổ phiếu VSF, kéo theo đó là sự tăng nóng của nhiều cổ phiếu.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 10/8, cổ phiếu VSF của Tổng Công ty Lương thực miền Nam – CTCP (Vinafood 2) trên sàn UPCoM đã giảm kịch biên độ, xuống còn 33.200 đồng/cổ phiếu.
Thanh khoản của cổ phiếu gạo này “tắt” trong hầu hết thời gian giao dịch, chỉ có 25.700 cổ phiếu được giao dịch thành công, tương đương 10% so với phiên giao dịch liền trước và thấp hơn rất nhiều so với thanh khoản bình quân của 10 phiên giao dịch gần đây. Đến cuối phiên, khối lượng dư bán ở mức giá sàn lên tới gần 985.000 cổ phiếu.
Đáng chú ý, trong phiên giao dịch ngày 9/8 trước đó, khi cổ phiếu VSF đang tăng hết biên độ lên mức 42.880 đồng/cổ phiếu với thanh khoản gần 400.000 đơn vị (gần 60% được khớp lệnh tại mức giá trần) thì bất ngờ xuất hiện lực bán mạnh, kích hoạt làn sóng bán tháo và đẩy cổ phiếu này giảm sàn về cuối phiên.
Như vậy, nếu nhà đầu tư mua đuổi cổ phiếu VSF trong ngày 9/8 thì đến hiện tại đã tạm thời lỗ gần 30% chỉ sau 2 phiên giao dịch.
Trước khi lao dốc, cổ phiếu VSF đã thu hút sự chú ý của giới đầu tư khi có chuỗi tăng giá “không ngừng nghỉ” kéo dài 11 ngày với 10 phiên tăng kịch biên độ (14,97%) và 1 phiên gần hết biên độ (14,06%). Qua đó, giúp thị giá cổ phiếu này tăng gần gấp 4 lần, từ vùng giá dưới 8.000 đồng lên mức 37.400 đồng/cổ phiếu, xác lập mức giá cao nhất kể từ khi cổ phiếu này được niêm yết vào cuối tháng 4/2018.
Đà tăng nóng của cổ phiếu VSF chủ yếu đến từ việc giá gạo xuất khẩu Việt Nam trong 2 tuần trở lại đây tăng lên mức cao nhất trong 15 năm qua sau khi Ấn Độ cấm xuất khẩu các loại gạo tẻ.
Xem thêm: "Giá đường trong nước có thể hạ nhiệt, cổ phiếu QNS chịu áp lực điều chỉnh" trên Tạp chí Công Thương tại đây.
Với vị thế là doanh nghiệp xuất khẩu gạo lớn nhất Việt Nam, chiếm hơn 14% tổng lượng gạo xuất khẩu của cả nước trong năm 2022, hoạt động kinh doanh của Vinafood 2 được kỳ vọng sẽ hưởng lợi lớn khi giá gạo xuất khẩu tăng vọt.
Tuy nhiên, dữ liệu cho thấy hoạt động kinh doanh của Vinafood 2 chưa thực sự khởi sắc như kỳ vọng của giới đầu tư. Trong 6 tháng đầu năm, Vinafood 2 ghi nhận doanh thu đạt 11.337 tỷ đồng, tăng 58% so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng lợi nhuận sau thuế chỉ đạt gần 10 tỷ đồng, cao gấp đôi so với nửa đầu năm 2022. Tính đến cuối tháng 6/2023, doanh nghiệp này vẫn còn khoản lỗ luỹ kế lên đến hơn 2.800 tỷ đồng.
Kể từ năm 2013 đến 2021, doanh nghiệp này liên tục chìm trong thua lỗ kéo dài. Mạch thua lỗ này chỉ được ngắt vào năm 2022 khi Vinafood 2 ghi nhận khoản lãi hơn 21 tỷ đồng. Hiện Vinafood 2 đang tập trung triển khai đề án tái cơ cấu, sắp xếp lại các doanh nghiệp không hiệu quả, mất vốn, và quyết toán cổ phần hoá Tổng Công ty.
Tag
ĐANG HOT
Đọc thêm