Thị trường hàng hóa
Xu hướng lạm phát gia tăng đang diễn ra trên toàn cầu, nhất là nền kinh tế lớn của thế giới như: Mỹ, Anh, các nước khu vực đồng tiền chung Euro… đang đối mặt với mức lạm phát cao nhất trong nhiều thập kỷ. Để ứng phó với lạm phát, các ngân hàng trung ương trên thế giới đã và đang tăng nhanh và mạnh các mức lãi suất điều hành.
Không ngoại lệ, ngày 25/10/2022, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng đã chính điều chỉnh tăng lãi suất điều hành, do đó lãi suất cho vay cũng sẽ điều chỉnh tăng lên. Lãi suất tối đa với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng từ mức 0,5% lên 1% một năm, lãi suất với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng từ 5% lên 6% một năm.
Riêng lãi suất tối đa với tiền gửi bằng VND tại Quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô từ 5,5% lên 6,5% một năm. Lãi suất tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng trở lên vẫn do ngân hàng ấn định trên cơ sở cung cầu vốn thị trường. Ngay sau đó, các ngân hàng thương mại đã đồng loạt tăng lãi suất huy động theo đà tăng của NHNN.
Quyết định tăng lãi suất điều hành được NHNN giải thích do áp lực lạm phát toàn cầu ở mức cao và đồng USD lên giá mạnh. Đồng bạc xanh tăng mạnh làm cho các đồng tiền trên thế giới và khu vực mất giá rất mạnh, nhiều đồng tiền mất giá khoảng từ 10 đến 30%, dự trữ ngoại hối nhà nước của các nước đều suy giảm mạnh, tính đến nay thì dự trữ của các nước suy giảm đến 1.000 tỷ USD.
Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, những diễn biến như trên đặt ra cho ngân hàng trung ương các nước trên thế giới những khó khăn. Trong nước, những biến động của thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thị trường bất động sản, thị trường chứng khoán cũng là những yếu tố tác động rất mạnh đến hoạt động tiền tệ và ngân hàng.
Trong khi đó, mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm nay là 14%, cao hơn mức của 2 năm trước 2020 - 2021. Trên thực tế, tín dụng đã tăng ngay từ những tháng đầu năm và tính đến nay, tín dụng tiếp tục ở mức cao so với cùng kỳ của các năm trước.
Cụ thể, tín dụng đến ngày 25/10 tăng trưởng tín dụng tăng 11,5% so với cuối năm ngoái, và so với cùng kỳ cuối tháng 10 năm ngoái, tăng trên 17%. Đây là mức cao so với cùng kỳ nhiều năm trước đây.
Ngược lại, huy động vốn tăng trưởng chậm, chỉ tăng khoảng 4,6% so với đầu năm, tức là bằng 1/3 so với tốc độ tăng trưởng tín dụng. Điều này là thách thức lớn đối với hệ số sử dụng vốn của hệ thống ngân hàng, gây quan ngại về thanh khoản của hệ thống ngân hàng.
Đối với tỷ giá, NHNN theo dõi sát và điều hành linh hoạt ở mức độ phù hợp. Đặc biệt, trên thị trường tiền tệ, trong 9 tháng đầu năm 2022, thanh khoản hệ thống ngân hàng được điều tiết tốt, thậm chí có dư thừa. Lãi suất dù không giảm được, nhưng chỉ tăng từ 0,3-0,4% so với cuối năm 2021. Diễn biến này được cho là phù hợp với bối cảnh chung trên toàn cầu.
Việt Nam là nền kinh tế có độ mở lớn, phụ thuộc vào thương mại quốc tế nên đã chịu ảnh hưởng lớn từ diễn biến kinh tế toàn cầu từ đầu năm 2022 đến nay. Bước sang tháng 10, thị trường tiền tệ, ngoại hối biến động mạnh, ngành ngân hàng đã phân tích, đánh giá chủ yếu là do tác động bởi tâm lý.
Việc điều chỉnh tăng lãi suất nhằm đón đầu định hướng tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) trong thời gian tới. Do đó, thời điểm này, NHNN phải tăng lãi suất để kiểm soát tỷ giá.
Bởi nếu như ổn định lãi suất thì không thể góp phần kiểm soát thị trường ngoại hối. Thị trường ngoại hối ổn định là điều vô cùng quan trọng đối với niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.
Tuy nhiên, việc nâng mặt bằng lãi suất lên cũng tạo ra những quan ngại về khả năng tiếp cận tín dụng của các doanh nghiệp. Để giải quyết vấn đề này, đại diện NHNN cho biết, cơ quan quản lý đã thường xuyên chỉ đạo các tổ chức tín dụng tập trung vốn cho các đối tượng ưu tiên, các tổ chức kinh doanh.
Tag
ĐANG HOT
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm