Thị trường hàng hóa
Ngân hàng 166 năm tuổi Credit Suisse được biết đến một trong những ngân hàng có dòng vốn mạnh nhất châu Âu, hoạt động trong lĩnh vực ngân hàng đầu tư - giao dịch, sáp nhập và mua lại, trái phiếu, cổ phiếu và quản lý tài sản. Tính đến cuối năm 2021, tổng tài sản mà ngân hàng này quản lý là 1.620 tỷ USD.
Credit Suisse đang là tâm điểm chú ý vài ngày qua. Vào ngày 3/10, ngay khi mở cửa phiên giao dịch tại thị trường châu Âu, giá cổ phiếu CSGN của Credit Suisse đã giảm 11%, xuống mức thấp kỷ lục. Tính từ đầu năm tới nay, giá cổ phiếu này đã giảm 59%. Giá trị vốn hóa của ngân hàng chỉ còn lại 10,4 tỷ USD.
Trong khi đó, giá trị của một trong những trái phiếu rủi ro nhất của Credit Suisse có thể bị huỷ bỏ hoặc chuyển đổi thành cổ phiếu nếu một ngân hàng gặp khó khăn, đã giảm xuống còn 77 cent từ 86 cent. Nguyên nhân “tin đồn” Credit Suisse phá sản xuất phát từ việc các thành viên thị trường nhận thấy tín hiệu bất thường.
Cụ thể, chi phí bảo hiểm trái phiếu của công ty để bảo vệ cho trường hợp vỡ nợ đã tăng khoảng 15% vào cuối tuần trước, đẩy giá giao dịch CDS (Credit Default Swap) của Credit Suisse lên mức cao chưa từng thấy kể từ năm 2009. CDS là công cụ hợp đồng phái sinh về tín dụng giữa hai đối tác, được xem như một công vụ phòng vệ rủi ro tài chính, giống như các loại hợp đồng bảo hiểm. Bên mua trả phí bảo vệ rủi ro để được bồi thường một khoản tiền cố định nếu sự cố thực sự xảy ra.
Phí CDS thường có quan hệ chặt chẽ với xếp hạng tín nhiệm của bên vay. Trong trường hợp của Credit Suisse, phí này tăng đồng nghĩa nhà đầu tư cho rằng rủi ro vỡ nợ của ngân hàng đang cao lên.
Trong khi đa phần các nhà băng phố Wall công bố kinh doanh có lợi nhuận, Credit Suisse đã thua lỗ trong 3 quý liên tiếp. Đỉnh điểm là cùng ngày 3/10, Credit Suisse thông báo hoãn kế hoạch tăng vốn với một quỹ đầu tư bất động sản với lý do biến động thị trường.
Trong những ngày gần đây, ngân hàng gần như chưa tái ký hợp đồng với một số đối tác cung cấp. Nhiều nhân tài gắn bó lâu năm với Credit Suisse lần lượt ra đi, mới đây nhất là ông Jens Welter, Giám đốc bộ phận Ngân hàng toàn cầu.
Những điều này buộc ông Ulrich Korner, CEO Credit Suisse, phải tìm cách trấn an nhà đầu tư và khách hàng rằng giá cổ phiếu không phản ánh sức khỏe tài chính của ngân hàng. Ông giải thích “hiện giờ là thời khắc mang tính quyết định” với ngân hàng và cảnh báo rằng những tin đồn và suy đoán sẽ tiếp diễn và ngày càng ồn ào.
Trước đó, Ngân hàng Quốc gia Thụy Sĩ đã chỉ định Credit Suisse là một trong những ngân hàng quan trọng toàn cầu nói chung cũng như đối với hệ thống tài chính của Thụy Sĩ nói riêng. Điều này đồng nghĩa sự thất bại của nó sẽ gây ra tổn hại đáng kể cho nền kinh tế và hệ thống tài chính Thụy Sĩ.
Nếu mọi chuyện diễn ra như tin đồn, thị trường toàn cầu có thể sẽ phải chịu cú sốc tương tự vụ phá sản của ngân hàng Mỹ Lehman Brothers hồi tháng 9/2008. Sự kiện Lehman Brothers đã kích hoạt một trong những cuộc khủng hoảng tài chính và kinh tế tồi tệ nhất kể từ cuộc Đại suy thoái 1929-1933.
Hiện, các nhà đầu tư và chuyên gia phân tích đang kêu gọi nhà băng khổng lồ của Thuỵ Sỹ hành động nhanh chóng hơn trong vấn đề cắt giảm chi phí và huy động thêm vốn mới để trấn an thị trường. Mặc dù thừa nhận rằng ngân hàng đang ở trong "thời điểm quan trọng", Koerner cam kết sẽ gửi cho nhân viên các bản cập nhật thường xuyên cho đến khi ngân hàng công bố kế hoạch chiến lược mới vào ngày 27 tháng 10.
Đây là ngày CEO dự kiến sẽ trình bày một kế hoạch chiến lược để tránh nộp đơn xin phá sản. Nói cách khác, ngân hàng đang tìm cách thực hiện các biện pháp để tăng cường nhượng quyền quản lý tài sản.
Mục đích nhằm chuyển đổi ngân hàng đầu tư thành một doanh nghiệp ngân hàng tư vấn vốn, dẫn dắt các thị trường tập trung hơn vào kinh doanh, đánh giá các lựa chọn chiến lược cho việc kinh doanh các sản phẩm chứng khoán hóa. Trong đó, bao gồm việc thu hút vốn của bên thứ ba, cũng như giảm cơ sở chi phí tuyệt đối của tập đoàn xuống dưới 15,5 tỷ franc (15,7 tỷ USD) trong trung hạn.
Tag
ĐANG HOT
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm