Thị trường hàng hóa
Các bộ, ngành, địa phương sẽ tăng cường triển khai hiệu quả và giám sát thực hiện các biện pháp kê khai giá, niêm yết giá; công khai thông tin về giá, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật.
Trong 9 tháng đầu năm 2022, mặc dù tình hình kinh tế, giá cả thị trường thế giới và trong nước có nhiều yếu tố không thuận lợi, kinh tế có chiều hướng suy giảm ở một số nền kinh tế lớn, xung đột chính trị giữa một số quốc gia có diễn biến phức tạp… tác động đến mặt bằng giá thế giới và trong nước. Trong bối cảnh đó, công tác điều hành giá từ đầu năm đến nay đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Theo số liệu thống kê kinh tế-xã hội quý III và 9 tháng năm 2022 vừa được Tổng cục Thống kê công bố, CPI tháng 9/2022 tăng 0,4% so với tháng trước, chủ yếu do giá hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng thiết yếu tăng theo giá nguyên, nhiên, vật liệu đầu vào và một số địa phương tăng học phí năm học mới 2022-2023.
Trong mức tăng 0,4%, 9 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng và 2 nhóm hàng có chỉ số giá giảm, trong đó nhóm giáo dục có mức tăng cao nhất với 5,84%. Hai nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá giảm gồm: Nhóm giao thông giảm 2,23%, nhóm bưu chính viễn thông giảm 0,04%.
Theo bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, một trong những nguyên nhân quan trọng trong việc cơ bản kiểm soát tốt làm phát là do nước ta đã chủ động ứng phó với những thách thức trước áp lực lạm phát gia tăng. Dưới chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cùng sự triển khai tích cực của các bộ, ngành, địa phương cũng như sự ủng hộ của các doanh nghiệp và người dân.
Chính sách tài khóa, tiền tệ chủ động, linh hoạt, cùng với các chính sách của các bộ, ngành được triển khai tích cực, nhanh chóng, hiệu quả đã góp phần ổn định tỷ giá, đảm bảo cán cân thương mại, kiểm soát được tín dụng, thanh khoản của nền kinh tế góp phần kiểm soát lạm phát chung. Cùng với việc kiểm soát tốt lạm phát, kinh tế - xã hội cả nước cũng đạt được nhiều kết quả tích cực, tác động đến đời sống Nhân dân. Tăng trưởng GDP quý III/2022 có sự phục hồi rõ nét với mức tăng trưởng ước tính 13,67% so với cùng kỳ năm trước. Dù mức tăng trưởng cao của quý III/2022 được dự báo từ trước song con số tăng trưởng 13,67% vẫn cao hơn so với con số kỳ vọng 10-11% được các chuyên gia và các tổ chức tài chính quốc tế đưa ra trước đó.
Nhờ vậy, GDP 9 tháng năm 2022 tăng 8,83% so với cùng kỳ năm trước, là mức tăng cao nhất của 9 tháng trong giai đoạn 2011-2022, cho thấy các hoạt động sản xuất kinh doanh dần lấy lại đà tăng trưởng, chính sách phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của Chính phủ đã phát huy hiệu quả, tạo tâm lý tin tưởng trong đại đa số Nhân dân.
Mặc dù tình hình còn nhiều khó khăn, nhưng công tác điều hành giá, kiểm soát lạm phát cơ bản đạt được mục tiêu đề ra. Theo bà Hương, với chỉ số trên, chúng ta có thể yên tâm kiểm soát lạm phát năm 2022 khoảng 4% như Quốc hội đặt ra.
Tuy nhiên, theo dự báo, vẫn còn một số yếu tố có thể làm tăng CPI những tháng cuối năm và gây áp lực cho năm 2023 ở Việt Nam. Theo đó, tình hình kinh tế, địa - chính trị thế giới còn rất nhiều phức tạp, diễn biến khó lường. Giá nhiều mặt hàng nguyên liệu, vật tư chiến lược vẫn chịu áp lực lớn từ tình trạng phục hồi không đồng đều và thiếu bền vững của kinh tế thế giới, nhất là một số nền kinh tế lớn và đối tác chính của Việt Nam đang phải đối mặt với tình trạng lạm phát cao do việc đứt gãy chuỗi cung ứng, thiếu hụt năng lượng, tình hình cạnh tranh chiến lược, tăng cường các chính sách bảo hộ, phòng vệ thương mại và hạn chế xuất nhập khẩu một số mặt hàng thương mại giữa các nước đang diễn ra ngày càng phức tạp. Việt Nam là một quốc gia có nền kinh tế mở nên ảnh hưởng từ xu thế trên toàn cầu là khó tránh khỏi.
Trong thời gian còn lại của năm 2022, công tác quản lý, điều hành giá cần tiếp tục thực hiện một cách chủ động và linh hoạt, vừa phải đảm bảo kiểm soát lạm phát bình quân cả năm 2022 theo mục tiêu Chính phủ và Quốc hội giao, cũng như tạo nền tảng thuận lợi cho việc kiểm soát lạm phát trong năm 2023.
Các bộ, ngành, địa phương bám sát và thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 679/CĐ-TTg ngày 31 tháng 7 năm 2022 về việc tăng cường các biện pháp quản lý, điều hành giá, ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái - Trưởng Ban chỉ đạo điều hành giá về các giải pháp cụ thể đối với công tác điều hành giá năm 2022 tại các văn bản số 882/VPCP-KTTH ngày 10 tháng 2 năm 2022, Thông báo số 65/TB-VPCP ngày 2 tháng 3 năm 2022, Thông báo số 81/TB-VPCP ngày 24 tháng 3 năm 2022, Thông báo số 179/TB-VPCP ngày 22 tháng 6 năm 2022 và Thông báo số 209/TB-VPCP ngày 18 tháng 7 năm 2022.
Về điều hành giá một số mặt hàng thiết yếu, các bộ quản lý ngành, địa phương trong phạm vi, lĩnh vực quản lý đẩy mạnh tổ chức triển khai theo dõi sát diễn biến thị trường, tăng cường phối hợp trong công tác điều hành, kịp thời thực hiện giải pháp đảm bảo cân đối cung cầu trong nước, ổn định giá cả, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, găm hàng, đầu cơ, tăng giá bất hợp lý.
Đối với mặt hàng xăng dầu, Bộ Công thương tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính điều hành giá xăng dầu linh hoạt, bảo đảm giá xăng dầu trong nước phản ánh, bám sát diễn biến giá thành phẩm xăng dầu thế giới, sử dụng hợp lý Quỹ Bình ổn giá xăng dầu với liều lượng thích hợp theo quy định, góp phần kiểm soát lạm phát, hỗ trợ hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, đời sống của người dân; chủ động thực hiện các biện pháp để bảo đảm nguồn cung xăng dầu trong mọi tình huống. Bộ Tài chính chủ động nghiên cứu hoàn thiện trình các cấp có thẩm quyền xem xét các phương án giảm thuế VAT và thuế tiêu thụ đặc biệt đối với nhóm mặt hàng xăng dầu trong trường hợp giá thế giới tiếp tục tăng cao.
Đối với các hàng hóa, dịch vụ thiết yếu, chịu ảnh hưởng gián tiếp từ giá xăng dầu, có tác động đến chỉ số giá tiêu dùng và ảnh hưởng đến đời sống người dân, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, các bộ, ngành, địa phương theo dõi sát diễn biến giá cả thị trường, tổ chức nắm bắt tình hình thực hiện của các tổ chức, cá nhân kinh doanh để có các biện pháp điều hành, bình ổn giá phù hợp.
Đồng thời, tăng cường kiểm tra, kiểm soát việc chấp hành pháp luật về giá, các biện pháp kê khai, niêm yết giá, xử lý nghiêm các trường hợp lợi dụng để tăng giá bất hợp lý; chủ động kiểm tra yếu tố hình thành giá theo quy định tại Luật Giá và theo thẩm quyền khi hàng hóa có biến động bất thường và xử lý các sai phạm theo quy định./.
ĐANG HOT
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm