Thị trường hàng hóa
Trong 4 tháng/2023 chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp của Đồng Nai tăng hơn 2%, mức tăng thấp nhất trong 10 năm qua. Hoạt động sản xuất công nghiệp từ đầu năm đến nay có 22/27 ngành có giá trị sản xuất tăng nhưng mức tăng thấp; có 5/27 ngành sản xuất giảm do tình hình sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn vì thiếu đơn hàng sản xuất. Bên cạnh đó, giá nguyên liệu và chi phí đầu vào tăng cao cũng ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp.
Tại Bình Dương, sản xuất công nghiệp cũng ghi nhận mức tăng thấp nhất trong vòng nhiều năm qua. Trong 4 tháng/2023 công nghiệp Bình Dương ghi nhận tăng 1,2%. Dự báo những khó khăn đang tồn tại ở phía trước. Theo Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bình Dương - Nguyễn Thanh Hà, sản xuất một số ngành công nghiệp chủ lực suy giảm do chi phí sản xuất đầu vào tăng cao, số lượng đơn đặt hàng sụt giảm; nhiều ngành công nghiệp chiếm tỷ trọng cao giảm so với cùng kỳ năm 2022. Trong khi đó, theo dự báo trong quý II/2023, số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh có đơn hàng xuất khẩu tăng so với quý I/2023 chiếm khoảng 28%; số doanh nghiệp nhận định có số đơn hàng sản xuất ổn định như quý I/2023 chỉ chiếm khoảng 38,3%; số doanh nghiệp dự kiến tiếp tục giảm quy mô lao động chiếm khoảng 28,9%; số doanh nghiệp đánh giá số đơn hàng cho sản xuất, xuất khẩu của quý II/2023 tiếp tục giảm so với quý I/2023 chiếm khoảng 33,1%...
Sau quý I/2023 với mức giảm sút, bước sang tháng 4/2023 ngành công nghiệp của TP. Hồ Chí Minh đang có dấu hiệu phục hồi trở lại. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 4 tăng 3% so với tháng trước, và tăng 8,09% so với tháng cùng kỳ năm 2022. Tính chung 4 tháng/2023, IIP toàn ngành công nghiệp tăng 1,4% (cùng kỳ tăng 2,6%).
Cùng với TP. Hồ Chí Minh, tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu cũng ghi nhận mức hồi phục sản xuất công nghiệp trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo là điểm sáng, tiếp tục đóng vai trò động lực dẫn dắt tăng trưởng của kinh tế tỉnh với chỉ số công nghiệp (IIP) tăng 12,14% so cùng kỳ năm trước.
Chủ tịch Hiệp hội Chế biến gỗ Bình Dương - Nguyễn Liêm cho hay hiện khó khăn của các doanh nghiệp sản xuất đang gặp phải đến từ việc thiếu hụt dòng tiền, không tiếp cận được vốn vay, nhiều khoản vay cho đầu tư sản xuất không được giải ngân, bắt buộc chuyển thành nợ xấu. Trước khó khăn này Nhà nước cần có các giải pháp thiết thực như: đơn giản hóa các thủ tục, hạ lãi suất, giãn nợ, giữ nguyên nhóm nợ, gia hạn các khoản vay để hỗ trợ doanh nghiệp.
Từ phía ngân hàng cũng sẽ thực hiện đơn giản hóa quy trình, thủ tục nội bộ để tạo thuận lợi hơn cho doanh nghiệp trong tiếp cận vốn tín dụng. Tập trung cấp tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, các lĩnh vực ưu tiên xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, nông nghiệp công nghệ cao; xây dựng khu công nghiệp; cho vay đáp ứng nhu cầu nhà ở của người dân… Tiếp tục đẩy mạnh triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất theo chỉ đạo của Chính phủ.
Theo Giám đốc Sở Công Thương Đồng Nai Trương Thị Mỹ Dung, các dự báo đều cho thấy tình hình kinh tế thế giới năm nay tăng trưởng thấp hơn từ 0,3 - 1% so với năm 2022 nếu không xảy ra đột biến. Nhiều mặt hàng chủ lực hiện đang gặp phải khó khăn khi xuất khẩu sang các thị trường trọng điểm. Để hỗ trợ doanh nghiệp ngành Công Thương đang đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, cập nhật thông tin thị trường, tình hình biến động, giúp các doanh nghiệp có thêm kênh nắm bắt, định hướng, điều chỉnh sản xuất phù hợp.
Ngoài ra, giải pháp của Đồng Nai từ nay đến cuối năm là ưu tiên giải quyết các chính sách cho doanh nghiệp để rút ngắn thời gian, chi phí phát sinh. Đồng Nai sẽ giúp doanh nghiệp xúc tiến thương mại để tìm thêm thị trường tiêu thụ sản phẩm và thực thi các chính sách giảm thuế theo chỉ đạo của Chính phủ nhằm vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay.
Từ phía Bộ Công Thương cũng đưa ra các giải pháp thúc đẩy sản xuất, cũng như tăng trưởng công nghiệp trong các quý tiếp theo cần tập trung nâng cao giá trị gia tăng cho sản xuất công nghiệp, đẩy mạnh việc triển khai Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ. Phối hợp chặt chẽ với các Hiệp hội, ngành hàng, doanh nghiệp bám sát tình hình mở cửa trở lại của thị trường Trung Quốc sau giai đoạn thực thi chính sách Zero- Covid; tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các hoạt động thông quan, xuất nhập khẩu hàng hóa, trong đó đặc biệt là các hàng hóa nguyên phụ liệu, linh phụ kiện để bảo đảm nguồn cung cho sản xuất trong nước trong các ngành sản xuất.
Tag
ĐANG HOT
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm