Thị trường hàng hóa
Lạm phát vẫn được kiểm soát dưới 4%
Trong báo cáo về tình hình phát triển kinh tế - xã hội quý III/2022, bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng, Tổng cục Thống kê (GSO) cho biết: Trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động, phức tạp, khiến giá nhiên liệu và lương thực tăng rất cao, thế nhưng, chỉ số lạm phát của Việt Nam vẫn đang ở dưới 4%, dưới mục tiêu mà Chính phủ đề ra hồi đầu năm 2022.
Cụ thể, CPI bình quân quý III/2022 tăng 3,32% so với quý III/2021. Bình quân 9 tháng năm nay, CPI tăng 2,73% so với cùng kỳ năm trước. Đặc biệt, lạm phát cơ bản tăng 1,88%.
Theo bà Nguyễn Thị Hương, vài tháng gần đây, quá trình lạm phát đang lan rộng ra toàn cầu, nhiều quốc gia rơi vào “bão” lạm phát. Ví dụ, trong tháng 8/2022, tại Liên minh châu Âu (EU), lạm phát tăng kỷ lục lên 9,1% so với cùng kỳ năm trước.
Tương tự, lạm phát tháng 8/2022 tại Mỹ tăng 8,3%, tuy thấp hơn mức tăng 8,5% của tháng trước nhưng cao hơn kỳ vọng của Fed.
Tại châu Á, lạm phát tháng 8/2022 của Thái Lan tăng 7,9%; Hàn Quốc tăng 5,7%, Indonesia tăng 4,7%; Nhật Bản tăng 3%; Trung Quốc tăng 2,5%.
“Nếu chỉ tính riêng tháng 9/2022, CPI của Việt Nam tăng 3,94% so với cùng kỳ năm trước, và nếu tính chung quý III, CPI tăng 3,32%. Điều này cho thấy, Việt Nam tiếp tục thuộc nhóm các nước có mức tăng lạm phát thấp so với mặt bằng chung”, bà Hương nói.
Bà Hương nhận định: Các công cụ kiểm soát lạm phát đã phát huy hiệu quả, nhưng không phải vì thế mà chủ quan. Bởi, áp lực lạm phát trong những tháng còn lại của năm vẫn hiện hữu.
Thứ nhất, diễn biến giá cả hàng hóa, nguyên nhiên vật liệu trên thế giới đang có xu hướng giảm do tăng trưởng kinh tế toàn cầu chậm lại, nhưng rủi ro tăng trở lại khá cao do xung đột giữa Nga - Ukraine chưa chấm dứt. Đặc biệt, sự phục hồi kinh tế Trung Quốc có thể kéo nhu cầu năng lượng gia tăng.
Thứ hai, kinh tế Việt Nam có khả năng phục hồi mạnh hơn trong các tháng còn lại của năm do tác động của các gói hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng cùng với nhu cầu tiêu dùng hàng hóa và dịch vụ tăng sẽ đẩy giá cả hàng hóa lên cao.
“Chính vì vậy, công tác quản lý, điều hành giá trong thời gian tới cần tiếp tục thực hiện thận trọng, chủ động và linh hoạt để bảo đảm kiểm soát tốc độ tăng giá tiêu dùng năm 2022, đồng thời tạo cơ sở cho việc kiểm soát lạm phát trong năm 2023”, bà Hương nhấn mạnh.
Lĩnh vực nào đang tăng giá?
Cũng theo báo cáo của GSO, giá xăng dầu trong nước bình quân quý III/2022 tăng 21,77% so với cùng kỳ năm trước, tác động làm CPI chung tăng 0,78 điểm phần trăm; giá dầu hỏa tăng 63,59% so với cùng kỳ năm 2021.
Giá các mặt hàng thực phẩm quý III/2022 tăng 2,33% so với cùng kỳ năm trước, làm CPI tăng 0,5 điểm phần trăm, trong đó giá thịt gà, hải sản tươi sống và dầu ăn lần lượt tăng 5,6%; 3,4% và 21,16%.
Giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở quý III/2022 tăng 7,75% so với cùng kỳ năm trước do giá xi măng, sắt, thép, cát tuy đang có xu hướng giảm nhưng so với cùng năm trước vẫn tăng theo giá nguyên, nhiên vật liệu đầu vào làm CPI chung tăng 0,16 điểm phần trăm.
Giá dịch vụ giáo dục quý III/2022 tăng 1,57% so với cùng kỳ năm trước do một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện tăng học phí năm học mới 2022-2023, tác động làm CPI chung tăng 0,09 điểm phần trăm.
Giá gas trong nước biến động theo giá gas thế giới, giá gas quý III/2022 tăng 5,61% so với cùng kỳ năm trước làm CPI chung tăng 0,08 điểm phần trăm.
Giá nhóm lương thực quý III/2022 tăng 2,41% so với cùng kỳ năm trước, trong đó giá gạo tăng 1,26% làm CPI chung tăng 0,03 điểm phần trăm.
Dịch Covid-19 được kiểm soát, nhu cầu du lịch tăng cao, giá vé máy bay quý III/2022 tăng 68,02% so với cùng kỳ năm trước; du lịch trọn gói tăng 14,38%; khách sạn, nhà khách tăng 3,6%.
Nếu tính từ đầu năm tới nay, giá xăng dầu được điều chỉnh 25 đợt, trong đó có 11 đợt giảm giá, làm cho giá xăng A95 giảm 710 đồng/lít; xăng E5 giảm 770 đồng/lít và dầu diezen tăng 4.960 đồng/lít.
Bình quân 9 tháng, giá xăng dầu trong nước tăng 41,07% so với cùng kỳ năm trước, tác động làm CPI chung tăng 1,48 điểm phần trăm.
Dịch Covid-19 đã được kiểm soát, nhu cầu ăn ngoài nhà hàng tăng nên giá ăn uống ngoài gia đình bình quân 9 tháng tăng 4,38% so với cùng kỳ năm trước, làm CPI chung tăng 0,38 điểm phần trăm.
Giá các mặt hàng thực phẩm 9 tháng năm 2022 tăng 0,5% so với cùng kỳ năm trước, làm CPI tăng 0,11 điểm phần trăm. Giá gạo trong nước tăng theo giá gạo xuất khẩu làm cho giá gạo 9 tháng năm 2022 tăng 1,14% so với cùng kỳ năm trước, làm CPI chung tăng 0,03 điểm phần trăm.
ĐANG HOT
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm