Thị trường hàng hóa
Xuất khẩu gỗ là ngành có kim ngạch xuất khẩu lớn số 1 của ngành nông nghiệp, mang về trên 15 tỉ USD mỗi năm. Tuy nhiên, do ảnh hưởng nghiêm trọng của lạm phát, xuất khẩu gỗ đang chậm lại.
Trước đó, theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ trong tháng 6/2022 đạt 1,4 tỷ USD, giảm gần 11% so với tháng 6/2021. Trong đó, xuất khẩu sản phẩm gỗ đạt hơn 936 triệu USD, giảm hơn 25% so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo Tổng cục Lâm nghiệp, giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản tháng 7 ước đạt 1,41 tỉ USD, giảm 5,5% so với tháng 6 năm 2022 và giảm 1,6% so với cùng kỳ năm 2021. Đây là tháng thứ 2 xuất khẩu gỗ và lâm sản giảm tốc.
Lũy kế 7 tháng năm 2022, giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản 7 tháng đầu năm 2022 ước đạt 10,42 tỉ USD, tăng 1,3% nhưng giá trị xuất khẩu sản phẩm gỗ lại giảm 6,9% so với cùng kỳ năm trước.
Tăng trưởng xuất khẩu 7 tháng đầu năm đạt thấp so với cùng kỳ năm 2021 và những năm trước đó là do giá nguyên liệu sản xuất và sản phẩm tăng cao. Các quốc gia thắt chặt chính sách tín dụng do lạm phát có xu hướng tăng dẫn đến nhu cầu tiêu dùng giảm mạnh.
7 tháng đầu năm, xuất khẩu gỗ sang các thị trường như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc tăng hơn 10%. Tuy nhiên, thị trường xuất khẩu gỗ lớn nhất của Việt Nam là Mỹ lại giảm, chỉ đạt 5,84 tỉ USD, giảm 4,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Nguyên nhân do chính sách thắt chặt tín dụng để kìm hãm lạm phát tăng dẫn đến nhu cầu tiêu dùng giảm.
"Doanh thu của nhiều doanh nghiệp giảm 1 nửa, thậm chí một vài doanh nghiệp đóng cửa" - ông Võ Quang Hà - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Gỗ và Thủ công mỹ nghệ Đồng Nai nêu thực trạng.
Ông Nguyễn Văn Diện - vụ trưởng Vụ Phát triển sản xuất lâm nghiệp (Tổng cục Lâm nghiệp) - cho biết hiện ngành lâm nghiệp đang phải đối diện với khó khăn kép khi Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đã khởi xướng điều tra xem xét tủ gỗ nhập khẩu từ Việt Nam, đây cũng là nguyên nhân khiến các đơn hàng xuất khẩu giảm tốc.
Trong khảo sát nhanh đối với 52 doanh nghiệp ngành gỗ do các hiệp hội và nhóm nghiên cứu của các hiệp hội gỗ phối hợp với tổ chức Forest Trends thực hiện, trong 45 doanh nghiệp hiện xuất khẩu đi Mỹ, có 33 doanh nghiệp thông báo doanh thu hiện tại đã giảm gần 40% so với các tháng đầu năm.
Chỉ có 10 doanh nghiệp nói doanh thu tăng so với các tháng trước đó, tuy nhiên mức tăng rất nhỏ (11%).
Xu thế tương tự đối với thị trường EU. Cụ thể, trong số 38 doanh nghiệp tham gia thị trường này, có tới 24 doanh nghiệp giảm trên 41% doanh thu so với các tháng trước đó. Chỉ có 4 doanh nghiệp cho hay nguồn thu tăng, ở mức 14%.
Tại thị trường Anh, trong 25 doanh nghiệp tham gia thị trường này thì 17 doanh nghiệp thông báo có nguồn thu giảm, ở mức trên 41%. Khoảng 71% doanh nghiệp dự kiến tình hình đơn hàng từ nay đến cuối năm sẽ tiếp tục giảm.
Ông Đỗ Xuân Lập - chủ tịch Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam - cho biết theo đánh giá của các doanh nghiệp, với tình hình thị trường như hiện nay, 44% doanh nghiệp cho rằng nguồn thu của doanh nghiệp sẽ giảm khoảng 44% trong cả năm 2022.
"Các con số cho thấy thị trường xuất khẩu gỗ từ nay đến cuối năm sẽ là một bức tranh ảm đạm" - ông nói và thông tin thêm: các thị trường chính xuất khẩu gỗ của Việt Nam như Mỹ, châu Âu, Anh đang lạm phát và trải qua sự sụt giảm về nhu cầu rất lớn, điều này hiện đang tác động trực tiếp tới hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp.
Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam kiến nghị các ngân hàng có chính sách ưu đãi để các doanh nghiệp ngành gỗ vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay. Cụ thể, đề nghị giãn nợ, giảm lãi suất; gia hạn các khoản vay đến hạn, cho vay tồn kho, tín chấp, tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi.
Đồng thời, đề nghị Bộ Tài chính có chính sách về thuế, phí để hỗ trợ doanh nghiệp ngành gỗ như giảm, chậm thu thuế thu nhập doanh nghiệp, giảm tiền thuê đất, hoàn thuế giá trị gia tăng nhanh nhất nhằm trả vốn cho doanh nghiệp.
ĐANG HOT
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm