Thị trường hàng hóa
Cơ quan Thống kê Liên minh châu Âu (Eurostat) vừa cho biết lạm phát tại khu vực các nước sử dụng đồng tiền chung Euro (Eurozone) trong tháng 9 vừa qua đã đạt mức cao kỷ lục 10%, tăng thêm từ mức 9,1% của tháng 8.
Mức 10% nói trên cao gấp năm lần so với mức mục tiêu lạm phát 2% mà Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đặt ra. Trong số 19 quốc gia khối Eurozone, 10 nước đã ghi nhân lạm phát ở mức hai con số. Trong đó, Đức - nền kinh tế lớn nhất khu vực có mức lạm phát trong tháng 9 đạt 10,9% - mức cao nhất kể từ năm 1951. Các nước vùng Baltic, gồm Estonia, Lithuania và Latvia đều có tỷ lệ lạm phát trên 22%.
Giá năng lượng tăng cao tiếp tục là nguyên nhân chính khiến lạm phát tại Eurozone lập kỷ lục mới, tâm lý không chắc chắn về an ninh năng lượng tại châu Âu trong mùa Đông tới đang chi phối thị trường. Giá năng lượng trong tháng 9 tăng 40,8% so với cùng kỳ năm ngoái, và tiếp tục tăng hơn so với mức 38,6% của tháng 8. Theo sau đó là đà tăng giá của nhóm hàng thực phẩm với mức tăng 11,8%, cao hơn mức tăng 10,6% trong tháng 8.
Những dữ liệu lạm phát này có khả năng gây thêm áp lực buộc ECB phải gấp rút hơn nữa trong việc siết chặt chính sách tiền tệ để kìm hãm lạm phát. Trong tháng 9 vừa qua, ECB đã tăng lãi suất thêm 0,75 điểm phần trăm - mức tăng mạnh nhất kể từ khi đồng Euro ra đời vào năm 1999.
Chủ tịch ECB bà Christine Lagarde cũng cho biết ECB dự kiến sẽ tăng lãi suất mạnh hơn nữa trong "vài cuộc họp tiếp theo" nhằm giảm lạm phát cũng như kiềm chế lạm phát kỳ vọng. Bà Christine Lagarde cảnh báo tăng trưởng kinh tế của khu vực Eurozone sẽ chậm lại “đáng kể” trong những quý tới do áp lực lạm phát, ECB và hàng loạt ngân hàng trung ương lớn trên thế giới tăng lãi suất khiến người tiêu dùng phải kiềm chế chi tiêu.
Đồng thời, chủ tịch ECB nhấn mạnh rủi ro vòng xoáy giá - tiền lương có thể xảy ra khi tiền lương tại châu Âu có thể gia tăng đáng kể trong thời gian tới để đuổi kịp mức tăng của giá hàng hoá, dịch vụ.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia phân tích nhận định Eurozone đang đối mặt với tình thế tiến thoái lưỡng nan đặc biệt khó khăn khi các chính sách tiền tệ của ECB không giúp giải quyết được tình trạng thiếu hụt năng lượng - nguyên nhân chính của lạm phát. Trong khi đó, việc gia tăng lãi suất sẽ làm trầm trọng thêm sự suy yếu của nền kinh tế khu vực này.
Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) vừa nâng dự báo lạm phát tại Eurozone trong năm nay lên mức 8,1%, tăng từ mức 7% của dự báo gần nhất và đạt 6,2% trong năm 2023. OECD cũng cảnh báo nhiều quốc gia tại châu Âu, bao gồm cả Đức, có thể rơi vào suy thoái kéo dài trong cả năm 2023 nếu như nguồn cung năng lượng cho khu vực này bị gián đoạn vào mùa Đông tới đây.
Cuối tuần trước, bộ trưởng năng lượng các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) đã thông qua một số biện pháp khẩn cấp để đối phó với tình trạng giá hàng hoá tăng vọt, bao gồm việc áp trần giá đối với giá điện của các nhà máy điện không dùng khí đốt.
Giới phân tích cho rằng hành động này có thể kìm hãm đà tăng của lạm phát trong ngắn hạn nhưng có thể khiến lạm phát neo ở mức cao lâu hơn vì các hộ gia đình có thể sử dụng phần tiền tiết kiệm được từ chi phí năng lượng vào các loại hàng hoá, dịch vụ khác.
Tag
ĐANG HOT
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm