Thị trường hàng hóa
Theo IMF, lạm phát sẽ đạt 10% trong quý IV và được dự báo là 7,3% vào năm 2023 do hệ quả của giá lương thực và năng lượng tăng cao. Sự gia tăng của lạm phát và việc nâng lãi suất của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đang ảnh hưởng nặng nề đến các nước kém phát triển nhất, vốn đã căng thẳng bởi đại dịch Covid-19. Điều này sẽ làm gia tăng chi phí đi vay, ảnh hưởng đến dự trữ ngoại hối và khiến các đồng tiền mới nổi mất giá so với đồng USD. IMF lo ngại dòng vốn chảy ra ồ ạt sẽ làm trầm trọng thêm tình trạng này.
Những thách thức này nảy sinh vào thời điểm nhiều chính phủ điều động ngân sách để hỗ trợ sức mua. Theo IMF, việc tăng lãi suất sẽ khiến một quốc gia khi bắt đầu, hoặc sắp giải ngân để hỗ trợ sức mua, sẽ phải cơ cấu lại nợ của mình, hoặc buộc phải chấp nhận thêm những khoản nợ chồng chất. Do đó, ít nhất 60% các quốc gia có thu nhập thấp đang có nguy cơ mắc nợ cao. Tỷ trọng này đã tăng gấp đôi so với năm 2015.
Một diễn biến, trong số 41 quốc gia dễ bị tổn thương xin giãn nợ trong giai đoạn Covid-19, chỉ có 3 nước (Ethiopia, Chad và Zambia) yêu cầu xử lý theo các điều khoản của “khuôn khổ chung” mới do Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) và Câu lạc bộ Paris đưa ra vào tháng 11/2020. Điều khoản này nhằm bảo đảm sự công bằng áp dụng cho tất cả các chủ nợ. Nhưng tiến độ hoàn thành tiến trình này hiện đang bị chậm lại do sự thờ ơ của Trung Quốc. Trong khi đó, Tổng Giám đốc IMF Kristalina Georgieva, thường xuyên kêu gọi sự phối hợp quốc tế nhằm giúp đỡ các quốc gia dễ bị tổn thương nhất.
Hiện tại, IMF đang cân nhắc khả năng tăng thêm quyền rút vốn đặc biệt (tiền dự trữ IMF phân bổ cho các quốc gia theo hạn ngạch), sau khi đã tăng 650 tỷ USD vào tháng 8/2021 để đáp ứng việc phòng chống dịch bệnh. Còn G20, do Pháp thúc đẩy, đã cam kết tài trợ 100 tỷ USD cho các nước nghèo. Tuy nhiên, khả năng thực hiện không mấy khả quan. Theo báo cáo mới nhất của thể chế giám sát nền kinh tế toàn cầu có trụ sở tại Washington, các cú sốc do đại dịch và cuộc xung đột Nga - Ukraine đang làm "triển vọng kinh tế thế giới ngày càng ảm đạm và không chắc chắn". Nhà kinh tế trưởng Pierre-Olivier Gourinchas nhận định “chỉ hai năm sau cuộc suy thoái trước đó, thế giới lại sớm đứng bên bờ vực của một cuộc suy thoái toàn cầu mới”.
Sự sụt giảm tăng trưởng ở 3 nền kinh tế lớn nhất thế giới là Mỹ, Trung Quốc và Khu vực sử dụng đồng euro, đang khiến IMF phải điều chỉnh lại dự báo GDP cho cả năm 2022 và năm 2023. Ở các nền kinh tế tiên tiến, năm 2022 tăng trưởng dự kiến chỉ giới hạn ở mức 2,5%, thay vì mức 3,3% theo dự báo vào tháng 4/2022. Vào năm 2023, GDP của vài chục quốc gia giàu có cũng có thể sẽ chỉ tăng 1,4%, thấp hơn một điểm so với dự kiến.
Suy thoái kinh tế Trung Quốc cũng đang cuốn toàn bộ hành tinh đi theo nước này và đặc biệt đè nặng lên các nước mới nổi và đang phát triển. Theo một báo cáo mới đây của IMF, thời điểm này là giai đoạn hoạt động yếu kém nhất của Trung Quốc “trong hơn bốn thập kỷ” qua, do hậu quả của những hạn chế nghiêm trọng vì áp đặt chính sách "Zero Covid" (Không Covid) và cuộc khủng hoảng lớn trong lĩnh vực bất động sản. Đồng thời, báo cáo cũng chỉ rõ, Ấn Độ cũng không tránh khỏi sự kìm hãm của tăng trưởng và đang phải chật vật để đối phó với “bối cảnh bên ngoài ngày càng kém thuận lợi và chính sách tiền tệ thắt chặt nhanh hơn”.
Lạm phát đang phổ biến, lan rộng và cao hơn nhiều so với dự báo cách đây vài tháng của các chuyên gia IMF. Bất chấp hoạt động toàn cầu đang chậm lại, lạm phát tiếp tục có xu hướng gia tăng, đặc biệt giá lương thực và năng lượng vẫn tiếp tục tăng. Theo dự đoán của IMF, lạm phát sẽ ở mức 6,6% trong năm nay tại các nền kinh tế tiên tiến và 9,5% tại các nước khác và sẽ duy trì ở mức cao trong thời gian dài. Lạm phát đã trở nên phổ biến ở nhiều quốc gia, phản ánh áp lực về chi phí do sự gián đoạn trong chuỗi cung ứng và thị trường lao động thắt chặt.
Lạm phát đang khiến các nước, đặc biệt là ở Mỹ và châu Âu đang có xu hướng thắt chặt hơn việc quản lý tài chính. Các ngân hàng trung ương ở các nền kinh tế tiên tiến lớn đang cắt giảm nhanh hơn ngân sách ủng hộ IMF, đưa đến hệ quả điều chưa từng có trong lịch sử, đó là “có sự chặt chẽ hơn trong việc phối hợp chính sách tiền tệ giữa các quốc gia”. Tất nhiên, kiểm soát lạm phát nên là mục tiêu hàng đầu của các nhà hoạch định chính sách. Nhưng các chuyên gia kinh tế của IMF cho rằng, các ngân hàng trung ương đã làm hơi quá tay. Tại Mỹ, sức mua hộ gia đình giảm và chính sách thắt chặt tiền tệ đang là nguyên nhân làm giảm tốc độ tăng trưởng và có thể đẩy tỷ lệ thất nghiệp lên cao. Trong bối cảnh hiện tại, việc ngày 27/7, Fed thông báo tăng lãi suất lần thứ tư liên tiếp, thì theo ông Pierre-Olivier Gourinchas, khả năng Mỹ thoát khỏi suy thoái là rất thấp.
Tiếp diễn, việc cung cấp khí đốt của Nga đến châu Âu thông qua đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy phương Bắc (Nord Stream) chỉ còn chiếm 40% lượng xuất khẩu được thực hiện cách đây một năm. Với lý do tiến hành các hoạt động bảo trì, tập đoàn Gazprom của Nga đã thông báo hôm 25/7 rằng, họ sẽ giảm một nửa dòng chảy này vào 27/7, thậm chí có thể dẫn đến việc ngừng cung cấp khí đốt của Nga tới châu Âu. Điều này sẽ buộc các nước châu Âu phải thực hiện lại việc phân bổ năng lượng, ảnh hưởng đến các ngành công nghiệp lớn. Chính sách của Nga đã khiến giá khí đốt tăng vọt, trong khi giá của loại năng lượng này đã tăng đáng kể từ năm ngoái do chính sách phục hồi kinh tế của các nước sau đại dịch Covid-19. Việc thiếu nguồn cung khí đốt ở châu Âu sẽ khiến nhu cầu dầu thô tăng mạnh. Trong khi đó, thuế quan của châu Âu tiếp tục tăng vào thứ 26/7 khiến giá dầu tăng thêm. Những điều này chứa đựng nhiều rủi ro và khiến tình hình có thể còn tồi tệ hơn nữa.
Ngoài lạm phát, tình trạng nợ nần chồng chất, giá lương thực và năng lượng tăng cao có thể đe dọa các nước đang phát triển đối mặt với nạn đói và bất ổn dân sự, như ở Sri Lanka. Trung Quốc cũng có nguy cơ làm chậm tốc độ tăng trưởng nếu tiếp tục các biện pháp chống Covid-19 hà khắc. Những hậu quả lâu dài hơn của cuộc xung đột Nga - Ukraine, đang làm phát sinh hoặc củng cố các liên minh và quan hệ thù địch mới giữa các nền kinh tế. Bối cảnh này sẽ là điều kiện tạo ra các “khối địa chính trị” trái với quy luật tự nhiên khiến có thể gây cản trở nhiều hơn đến trao đổi thương mại và hợp tác ở cấp độ toàn cầu. Như nguy cơ mà IMF cảnh báo là “sự phân mảnh có thể làm giảm hiệu quả của hợp tác đa phương khi đối mặt với biến đổi khí hậu, khiến nguy cơ khủng hoảng lương thực hiện nay sẽ trở thành mối đe dọa thường xuyên trong tương lai”./.
Tag
ĐANG HOT
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm