Thị trường hàng hóa
Lãi suất tiết kiệm lập “đỉnh” kỳ hạn 6 tháng
“Cuộc đua” lãi suất huy động vẫn giảm độ “nóng”. Ngày càng nhiều ngân hàng nâng mức cao nhất lên 10%/năm. Trong những ngày đầu tháng 12/2022, “Câu lạc bộ” này có thêm 2 thành viên mới. Đó là ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) và Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội (SHB). Trong đó, OCB lập “đỉnh” ở kỳ hạn 6 tháng.
Cụ thể, 1/12/2022, OCB áp dụng biểu lãi suất mới. Theo đó, mức cao nhất (đối với tiết kiệm online) là 9,3%/năm dành cho các kỳ hạn dài, từ 12 tháng đến 36 tháng, cao hơn 0,3% so với hình thức tiết kiệm thông thường. Kỳ hạn 6 tháng có mức lãi 9%/năm.
Chưa dừng lại ở đó, OCB còn cung cấp sản phẩm khoản tiền gửi tiết kiệm trực tuyến (Tiết kiệm điện tử thông thường, OMNI Flex) tiền gửi có kỳ hạn kênh online (Hợp đồng tiền gửi điện tử).
Theo đó, với các khoản tiền gửi từ 50 tỷ đồng trở lên, ở kỳ hạn 6 tháng, lãi suất cộng thêm 1,5%/năm, từ đó đạt mức 10,5%/năm; Đối với kỳ hạn 12 tháng, khách hàng được cộng 1,2%/năm, nâng lãi suất lên 10,5%/năm.
Với 10,5%/năm cho kỳ hạn 12 tháng, lãi suất tại OCB vẫn đứng sau Ngân hàng TMCP Đông Á (DongA Bank) nhưng ở kỳ hạn 6 tháng OCB đã lập “đỉnh” lãi suất.
“Câu lạc bộ” lãi suất 10% còn có thêm SHB. Theo thông tin trên website, biểu lãi suất mới nhất được cập nhật là từ ngày 24/11/2022. Theo đó, với gói Tiết kiệm Đại Lợi, mức cao nhất là 8,6%/năm.
Còn với lãi suất tiết kiệm, SHB áp dụng chính sách từ 8,12% (kỳ hạn 6 tháng) đến 8,52%/năm (từ kỳ hạn 12 tháng). Trong đó, nếu tham gia chương trình khuyến mãi “Trao tri ân – Nhận gắn kết), khách sẽ được cộng thưởng thêm 0,58%/năm. Như vậy, mức cao nhất tại SHB là 9,1%/năm.
Tuy nhiên, hiện tại, tại một số Chi nhánh, Phòng giao dịch của SHB, ngân hàng treo biển với lãi suất cao hơn rất nhiều, lên đến 10%/năm.
Trước đó, nhiều ngân hàng đã áp dụng mức lãi suất từ 10% trở lên. Đó là DongA Bank (10,95%/năm cho kỳ hạn 13 tháng, 10,2%/năm cho kỳ hạn 6 tháng), TMCP Sài Gòn Công Thương – Saigonbank (10,5%/năm cho kỳ hạn 13 tháng, 10%/năm cho kỳ hạn 12 tháng).
Có khá nhiều ngân hàng áp dụng lãi suất tiết kiệm sát với con số 10% như GPBank (9,95%/năm), SCB (9,95%/năm), MSB (9,9%/năm), Sacombank (9,9%/năm), VIB (9,8%/năm), PGBank (9,7%/năm),…
Áp lực tăng lãi suất từ đồng USD
Về vấn đề lãi suất, trao đổi với báo chí, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Thanh Hà cho biết trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục theo dõi diễn biến tiền tệ trong nước, quốc tế, dự báo lạm phát và lãi suất thị trường để điều hành lãi suất phù hợp với cân đối vĩ mô, lạm phát và mục tiêu chính sách tiền tệ.
Với yếu tố trong nước, chiều muộn ngày 5/12/2022, Ngân hàng nhà Nước đã quyết định nới room tín dụng từ 1,5%-2%, từ đó sẽ nâng cao nhu cầu huy động vốn từ hệ thống ngân hàng, từ đó khiến lãi suất huy động “nóng” hơn.
Với yếu tố quốc tế, mới đây, Viện Quản lý nguồn cung (ISM) đã công bố dữ liệu nhà quản trị mua hàng (PMI) ngành dịch vụ Mỹ tháng 11. Các dữ liệu cho thấy lĩnh vực này tăng trưởng tốt hơn dự báo.
Bản báo cáo ngay lập tức làm dấy lên lo ngại Cục Dữ trự liên bang Mỹ (FED) sẽ tiếp tục tăng lãi suất. Trong năm 2022, Fed đã tăng lãi suất 6 lần với tổng mức tăng là 3,75%, đưa lãi suất về mức gấp đôi so với trước dịch.
Kỳ vọng lãi suất tăng sẽ làm tăng giá trị đồng USD, từ đó gây áp lực lên lãi suất tiền đồng.
Tại thị trường trong nước, ngày 6/12, tỷ giá đồng loạt tăng mạnh sai chuỗi ngày giảm sâu.
Cụ thể, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt (Vietcombank) niêm yết tỷ giá ở mức: 23.940 đồng/USD (mua vào) – 24.250 đồng/USD (bán ra), tăng 180 đồng/USD, tương đương 0,8% so với cuối ngày hôm qua. Tỷ giá tại Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), tỷ giá được niêm yết ở mức: 23.960 đồng/USD – 24.240 đồng/USD, tăng 160 đồng/USD.
Tại một số ngân hàng thương mại, mức tăng tỷ giá chậm hơn nhiều. Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) niêm yết giá USD ở mức: 23.800 đồng/USD – 24.170 đồng/USD, giữ nguyên chiều mua vào nhưng tăng 90 đồng/USD chiều bán ra.
Tag
ĐANG HOT
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm