Thị trường hàng hóa
Trong năm 2022, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ liên tục nâng lãi suất lên mức 4,25%/năm như một nỗ lực nhằm kiềm chế lạm phát khiến cho dòng vốn đầu tư bị rút khỏi nhiều quốc gia trên thế giới, gây áp lực tỷ giá lên nhiều doanh nghiệp xuất nhập khẩu.
Trước tình trạng trên, hàng loạt ngân hàng trung ương tại các quốc gia đã phải đồng loạt tăng lãi suất. Tại Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước cũng đã nâng lãi suất điều hành lên tổng cộng 2% trong tháng 9 và tháng 10 năm 2022.
Lãi suất tăng, tiền gửi ngân hàng tăng thêm 126 nghìn tỷ đồng chỉ trong 1 tháng
Tại một số ngân hàng, lãi suất tiền gửi trong năm 2022 đều tăng trong ngưỡng từ 2 - 4% khiến cho nguồn tiền gửi liên tục đổ về, đặc biệt là trong những tháng cuối năm.
Theo thống kê từ Ngân hàng Nhà nước, tính đến cuối tháng 11 năm 2022, tổng tiền gửi của khách hàng tại các tổ chức tín dụng đã tăng thêm 126.600 tỷ đồng, là mức tăng cao nhất kể từ tháng 3 năm 2022 trở lại đây. Trong đó, tiền gửi của người dân tăng thêm 84.597 tỷ đồng, tiền gửi doanh nghiệp tăng 42.041 tỷ đồng.
Tổng số lượng tiền gửi của người dân và doanh nghiệp tại hệ thống tín dụng đạt 10,94 triệu tỷ đồng, tăng gần 6% so với tổng tiền gửi của khách hàng trong cùng kỳ 2021.
Lượng tiền gửi tăng cao trong tháng 11 cuối năm 2022 được cho là bởi các ngân hàng đồng loạt tăng lãi suất huy động. Trong tháng 11/2022, lãi suất cao nhất tại các ngân hàng phổ biến ở mức 9-10%/năm cho kỳ hạn 12 tháng trở lên, có nơi còn lên tới 11%/năm.
Bước sang tháng 12, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam đã thống nhất mức lãi suất huy động tối đa là 9,5%/năm giúp cho mặt bằng chung lãi suất huy động có phần hạ nhiệt.
Doanh nghiệp bảo hiểm tình cờ hưởng lợi nhờ lãi suất tăng cao dịp cuối năm
Lãi suất huy động tăng kéo theo chi phí lãi vay đối với đa số doanh nghiệp cũng tăng cao khiến tình hình sản xuất gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, nhóm doanh nghiệp bảo hiểm lại vô tình hưởng lợi từ yếu tố này do sở hữu lượng tiền mặt lớn cùng các khoản đầu tư tài chính ngắn hạn trong danh mục tài chính.
Chỉ tính riêng trong nhóm 7 công ty bảo hiểm top đầu đang được niêm yết bao gồm: Tập đoàn Bảo Việt (BVH), Tổng công ty cổ phần Bảo Minh (BMI), Công ty cổ phần PVI (PVI), Tổng công ty cổ phần Tái bảo hiểm quốc gia Việt Nam (VNR), Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm Bưu điện (PTI), Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm Petrolimex (PGI), Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm Quân đội (MIG) thì tính tới hết quý 3 năm 2022, tổng tiền gửi và đầu tư tài chính ngắn hạn của các đơn vị này chiếm tới 127,5 nghìn tỷ đồng, chiếm tỷ trọng lớn trong tổng tài sản.
Với mặt bằng chung lãi suất ngân hàng tăng mạnh trong các tháng cuối năm, nhóm các doanh nghiệp bảo hiểm tình cờ được hưởng lợi nhờ yếu tố này. Ghi nhận doanh thu tài chính của đa phần các công ty bảo hiểm đều tăng theo đà tăng lãi suất. Doanh thu tài chính chiếm tỷ trọng cao trong tổng lợi nhuận trước thuế, cũng đồng thời cho thấy bức tranh khả quan về tình hình kinh doanh của nhóm ngành này trong bối cảnh thị trường nhiều biến động trong năm 2023.
Tag
ĐANG HOT
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm