Thị trường hàng hóa
Tại hội thảo “Ngành thủy sản 2023: Nhận diện thách thức & giải bài toán đơn hàng giảm, lãi suất tăng” diễn ra tại Cần Thơ chiều 26/11, ông Trương Đình Hòe - Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, 10 tháng vừa qua, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đã đạt 9,4 - 9,5 tỷ USD. Các thị trường lớn nhất gồm có Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc và Liên minh châu Âu (EU). EU, Mỹ và Trung Quốc chiếm 60% thương mại thủy sản toàn cầu và 50% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam trong 10 tháng đầu 2022.
VASEP dự kiến đến hết tháng 11, doanh số xuất khẩu thủy sản sẽ vượt mốc 10 tỷ USD. Hết năm 2022, kim ngạch toàn ngành sẽ lần đầu tiên đạt 11 tỷ USD.
Hiện Việt Nam có 1.500 DN tham gia xuất khẩu thủy sản trong nửa đầu năm 2022. Top 100 đơn vị xuất khẩu hàng đầu có doanh số trên 20 triệu USD/năm, chiếm 65% giá trị.
Dù vậy, theo đánh giá của Tổng thư ký VASEP, DN đối mặt với một loạt thách thức liên quan đến vấn đề nguyên liệu chế biến, về thị trường khi lạm phát, suy giảm tăng trưởng ở các thị trường chính ảnh hưởng đến chi tiêu và hạn chế nhu cầu tiêu dùng. Ngành thuỷ sản Việt Nam cũng gặp sự cạnh tranh khó khăn với các nước cung cấp thủy sản có điều kiện nuôi trồng tốt hơn.
Hơn nữa, thị trường Trung Quốc hết sức tiềm năng nhưng bên cạnh nhiều cơ hội cũng có những rủi ro vì sự đa dạng trong thương mại cũng như chính sách quản lý.
Ở góc độ vĩ mô, chuyên gia kinh tế, TS. Đinh Thế Hiển cho biết, trong cơ cấu xuất khẩu thủy sản 10 tháng năm 2022, đây là ngành có mức tăng mạnh nhất so với cùng kỳ, trên 30%. Hiện nay có tranh cãi về việc nới thêm room tín dụng 2%, nâng tăng trưởng tín dụng cả năm lên 16% nhằm đẩy mạnh cung tiền. Tuy nhiên, đến nay Chính phủ vẫn giữ chính sách cung tiền thận trọng và ưu tiên kiềm chế lạm phát.
Sự khó khăn về tài chính hiện nay ở các công ty, mạnh nhất là ở khối bất động sản, đang tác động đến các công ty khác, trong đó có thủy sản do chúng ta đã thâm dụng vốn.
"Chúng ta thiếu tiền do thâm dụng vốn, dẫn đến khan tiền, chứ không phải do siết cung tiền, bởi tổng phương tiện thanh toán, tổng tín dụng còn nhiều hơn các năm trước", chuyên gia nói.
Cũng theo chuyên gia, các công ty có thể chịu được lãi suất cho vay hiện nay ở mức 10-12%, tuy nhiên nếu lãi suất cao hơn thì sẽ gây khó khăn cho DN. Nếu như Ngân hàng Nhà nước không thể hạ nhiệt lãi suất huy động và lãi suất cho vay trong quý I/2023, thì nhiều công ty thủy sản nhỏ và vừa sẽ phải chấp nhận lỗ khi sử dụng vốn.
Về khó khăn trong quý IV/2022 và năm 2023, tỷ giá tại 4 thị trường lớn (trừ Mỹ) đang giảm khiến giá xuất khẩu có thể cao trong các thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc và EU. Ngành thủy sản chắc chắn gặp khó khăn khi bán qua các nước này bởi khách hàng sẽ yêu cầu giảm giá để phù hợp với đồng nội tệ của họ.
Các vấn đề liên quan đến ngành thủy sản đều đòi hỏi nguồn vốn lớn trong trung dài hạn, để ngành giữ được phong độ tăng trưởng và nhắm tới mục tiêu xuất khẩu 20 tỷ USD vào năm 2030.
"Những thách thức lớn cần vượt qua còn phải kể đến cạnh tranh giá, phí vận chuyển cao, vấn đề môi trường, chế biến sâu, nguyên liệu ổn định. Tất cả những khó khăn này đỏi hòi nguồn vốn lớn cho đầu tư hệ thống kinh doanh và sản xuất, đổi mới công nghệ thiết bị mà ngân hàng thương mại khó đáp ứng", chuyên gia nhận định.
Đề cập đến khó khăn liên quan đến logistics, bà Trương Thị Kim Liên – Đại diện Công ty CP Mekong Logistics cho biết, chuỗi logistics ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) chưa phát triển do một số nút thắt.
Đó là sự đầu tư về giao thông vận tải ở khu vực này chưa tương xứng so với tiềm năng. Hiện 70-75% lượng hàng xuất khẩu của khu vực ĐBSCL phải vận chuyển lên cụm cảng khu vực TP Hồ Chí Minh và Cái Mép - Thị Vải. Theo đó, gây tốn thời gian và chi phí tăng cao, ảnh hưởng đến sức cạnh tranh hàng hóa trên thị trường.
Ngoài ra, chi phí đầu tư và vận hành các kho lạnh rất cao, ảnh hưởng lớn đến quyết định đầu tư của các DN. Đặc biệt chi phí điện - cấu thành rất lớn trong tổng chi phí vận hành của các DN kho lạnh - đang áp dụng tính theo giá điện kinh doanh cao hơn gần 60% so với giá điện sản xuất.
Trước thực trạng này, bà Trương Thị Kim Liên kiến nghị các cơ quan ban ngành cần có sự kết nối giữa các hiệp hội thuộc ngành thủy sản, Hiệp hội DN dịch vụ logistics Việt Nam (VLA), Viện Nghiên cứu và Phát triển logistics Việt Nam (VLI)… tìm đầu ra cho các công ty xuất khẩu nông sản.
Cần giảm lãi suất ngân hàng cho các DN logistics, nâng cấp hệ thống giao thông và giảm giá điện cho các công ty cung cấp dịch vụ kho lạnh.
Bản thân các DN logistics cần đưa ra những giải pháp tối ưu nhất cho từng khách hàng. Nhanh chóng khảo sát để mở tuyến đường vận chuyển trực tiếp từ Cái Mép. Đồng thời cần thay đổi cách thức sử dụng phương thức vận chuyển, tập trung về bãi tập kết tại các cảng ở khu vực Cần Thơ sau đó lên tàu đi thẳng ra Cái Mép để tiết kiệm chi phí.
Nhấn mạnh giải pháp công nghệ trong lĩnh vực xây dựng nhà máy thủy sản và kho lạnh, ông Đào Ngọc Long - Giám đốc điều hành Greenpan Việt Nam cho rằng, các DN cần cải tiến, đầu tư công nghệ sản xuất xanh, sạch, nâng cao năng lực cạnh tranh, vượt qua rào cản của các thị trường xuất khẩu. Đây là vấn đề cấp thiết của DN ngành thủy sản. Hiện nay CE, UL là các tiêu chuẩn sản xuất cao nhất của châu Âu, Mỹ, kho lạnh của DN đạt được các tiêu chuẩn này sẽ tự tin xuất khẩu sang nhiều thị trường trên thế giới.
Trong khuôn khổ hội thảo, Ban tổ chức đã tiến hành khảo sát trên 117 người đang làm việc tại các DN thuỷ sản theo hình thức trực tiếp và online. Kết quả khảo sát cho thấy các DN đang rất bi quan về triển vọng ngành thuỷ sản năm 2023. Cụ thể, có tới có tới 71% DN cho rằng triển vọng ngành thuỷ sản năm 2023 sẽ khó khăn, hơn 22% DN đánh giá sẽ rất khó khăn và chỉ khoảng 7% DN lạc quan vào bức tranh ngành thuỷ sản trong thời gian tới. Ba nguyên nhân khiến các DN lo ngại trong hoạt động sản xuất kinh doanh từ nay đến 2023 gồm: Biến động tỷ giá; nguồn vốn thắt chặt; kinh tế thế giới suy thoái, lạm phát tăng làm giảm nhu cầu dẫn đến tồn kho tăng và cạnh tranh sẽ gay gắt hơn từ những đối thủ có chi phí và giá bán rẻ như Ecuador hay Ấn Độ. |
ĐANG HOT
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm