Thị trường hàng hóa
Thời gian qua, lãi suất huy động đồng loạt tăng mạnh. Ngày càng nhiều ngân hàng đẩy mức cao nhất vượt mốc 10%/năm. Trong đó, Ngân hàng TMCP Đông Á (DongA Bank) dẫn đầu “cuộc đua” với gần 11%/năm.
Lãi suất huy động liên tục “nóng” khiến lãi suất cho vay cũng “hầm hập” theo. Lãi suất cho vay mua ô tô đạt mức cao 13,8%/năm tại Ngân hàng TMCP Bản Việt (VietcapitalBank), lãi suất cho vay mua nhà lên tới 15%/năm tại Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB).
Trước bối cảnh đó, chiều 7/12/2022, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) đã tổ chức cuộc họp với đại diện các tổ chức tín dụng hội viên để bàn về vấn đề ổn định lãi suất và các giải pháp hỗ trợ thanh khoản cho hệ thống ngân hàng, đặc biệt là trong những tháng cuối năm 2022. Tổng Thư ký Nguyễn Quốc Hùng chủ trì cuộc họp.
Tham tham dự cuộc họp còn có đại diện lãnh đạo Vụ Chính sách Tiền tệ; Vụ Tín dụng các ngành kinh tế; Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng thuộc Ngân hàng Nhà nước, cùng đại diện các tổ chức tín dụng hội viên Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam.
Lãi suất huy động có thể không vượt mức 10%
Trao đổi với Phóng viên Báo Công Luận, ông Nguyễn Quốc Hùng chia sẻ cuộc họp được tổ chức nhằm kêu gọi các tổ chức tín dụng đồng thuận để ổn định thị trường, đảm bảo thanh khoản, đủ vốn cho nền kinh tế với mặt bằng lãi suất hợp lý.
“Thanh khoản ổn định sẽ không xuất hiện lãi suất đột biến, từ đó giúp lãi suất cho vay không tăng. Nếu lãi suất huy động tiếp tục tăng, lãi suất cho vay sẽ cao nữa thì làm sao mà chịu được”, ông Nguyễn Quốc Hùng cho biết.
Theo ông Hùng, cuộc họp kết thúc với sự đồng thuận cao từ các tổ chức tín dụng. Theo đó, sẽ không có biện pháp hành chính, các bên sẽ đưa ra mức thống nhất, phù hợp dựa trên tinh thần chia sẽ, hỗ trợ lẫn nhau giải quyết vấn đề thanh khoản.
Đề cập đến thanh khoản, ông Hùng nhận định về mặt tổng thể, thanh khoản không có vấn đề gì, chỉ nhất thời có lúc thừa, lúc không. Vấn đề quan trọng ở đây là tạo niềm tin của khách hàng với ngân hàng.
Còn về câu chuyện tăng lãi suất thời gian qua, theo ông Hùng nguyên nân không phải thiếu thanh khoản mà là để giữ ổn định, để nguồn vốn không giảm.
Cuộc họp do VNBA tổ chức đã kết thúc với sự đồng thuận cao nhưng theo ông Hùng, vẫn cần có văn bản chính thức để “chốt” mặt bằng lãi suất. Nếu các ngân hàng đồng thuận, lãi suất sẽ khó vượt mốc 10%/năm.
Chính sách tiền tệ rất hợp lý nhưng vẫn cần tháo gỡ thêm
Tổng thư ký Nguyễn Quốc Hùng đánh giá cao vai trò điều hành của Ngân hàng Nhà nước khi khẳng định: “Vừa qua, Ngân hàng Nhà nước đã giải quyết một số vấn đề rất tốt, chính sách tiền tệ hết sức hợp lý, đã ổn định thanh khoản. Hiện tại, cần tập trung vốn đầu tư cho sản xuất, hạn chế đầu tư lĩnh vực rủi ro, đưa ra mặt bằng lãi suất phù hợp”.
Dù nhiều chính sách đã đi đúng hướng trong thời gian qua nhưng ông Nguyễn Quốc Hùng vẫn có nhiều kiến nghị gửi đến Ngân hàng Nhà nước.
Ông Nguyễn Quốc Hùng kiến nghị Vụ Chính sách Tiền tệ, Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước) tham mưu cho Thống đốc để tiếp tục có những thông điệp cụ thể đảm bảo thanh khoản cho các tổ chức tín dụng, tạo sự an tâm hoạt động an toàn, hiệu quả.
Ngân hàng Nhà nước tiếp tục hỗ trợ thanh khoản cho các Ngân hàng qua tăng cường các công cụ thị trường mở (OMO)…, ưu tiên đáp ứng tối đa nhu cầu vốn của các Ngân hàng qua kênh OMO. Qua đó làm giảm áp lực dự phòng thanh khoản cao của Ngân hàng, góp phần làm giảm lãi suất giao dịch liên ngân hàng cũng như giảm lãi suất huy động từ khách hàng.
Về dài hạn, Tổng Thư ký Nguyễn Quốc Hùng cũng mong các cơ quan soạn thảo các dự thảo của Ngân hàng Nhà nước lắng nghe đầy đủ những ý kiến đóng góp của Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam đối với dự thảo sửa đổi, bổ sung một số các văn bản luật như Thông tư 39, Thông tư 22, dự thảo Luật các tổ chức tín dụng sửa đổi.... để sớm ban hành, hoàn thiện khung pháp lý cho các TCTD hoạt động ổn định, lành mạnh, hiệu quả.
Tag
ĐANG HOT
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm