Thị trường hàng hóa
Mới đây, Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại phải hạ lãi suất để hỗ trợ doanh nghiệp. Hiệp hội ngân hàng cũng kêu gọi các thành viên trong hệ thống chung tay đưa mặt bằng lãi suất xuống dưới 9,5%/năm.
Tuy nhiên, trong bối cảnh Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) và các ngân hàng trung ương lớn vẫn tiếp tục chính sách thắt chặt tiền tệ, lãi suất huy động vẫn được dự báo tăng.
Tăng lãi suất là phù hợp
Công ty chứng khoán VCBS tính toán, trong tháng 11, mặt bằng lãi suất tăng 50-60 điểm. Theo đó, từ đầu năm tới nay, nhiều ngân hàng thương mại cổ phần đã tăng lãi suất huy động ở các kỳ hạn với mức tăng 220-260 điểm cơ bản. Tại những ngân hàng thương mại cổ phần vừa và nhỏ, cá biệt có thể ghi nhận mức cao, khoảng 10% cho kỳ hạn 6 tháng.
Lãi suất huy động ở thị trường trong nước tăng giữa bối cảnh FED đã quyết định nâng lãi suất 50 điểm cơ bản, khá tương đồng với kỳ vọng thị trường và xu hướng tăng lãi suất vẫn chưa kết thúc.
VCBS cho rằng xu hướng tăng của lãi suất huy động cũng được xem là phản ứng hợp lý khi mặt bằng lãi suất ở nhiều quốc gia đang trong xu hướng tăng.
Công ty chứng khoán ACBS đã đưa ra những phân tích sâu hơn. Theo ACBS, FED đã phát ra tín hiệu có thể đwa lãi suất lên 5-5.5% và cuối năm 2023 và giữ nguyên mức này cho đến năm 2024.
Bên cạnh đó, trong dự báo kinh tế mới được FED công bố, VCBS nhận thấy triển vọng kinh tế đang xấu đi theo thời gian. FED mặc dù đã nâng triển vọng kinh tế Mỹ với tăng trưởng GDP tăng 0,5% vào năm 2022 (so với 0,2% dự báo vào tháng 9/2022), nhưng FED cũng đã điều chỉnh kỳ vọng tăng trưởng cho năm 2023 xuống 0,2% (so với 1,5% dự báo vào tháng 9/2022) ).
Điều này cho thấy FED kỳ vọng tăng trưởng kinh tế sẽ hạ nhiệt khi nền kinh tế tiếp tục chống lại lạm phát cao.
Ngoài ra, FED cũng tăng dự báo trung bình về lạm phát trong năm tới, được đo bằng chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE), sẽ tăng 5,6% trong suốt năm 2022 (nhanh hơn mức 5,4% dự báo vào tháng 9/2022) và tăng PCE từ 3,5 % (cao hơn mức 3,1% được dự đoán vào tháng 9/2022).
Lãi suất huy động tiếp tục tăng
Bất chấp lạm phát cao ở Mỹ, cùng với việc FED và các ngân hàng trung ương lớn khác tăng lãi suất và chương trình Thắt chặt định lượng của FED, ACBS duy trì kỳ vọng CPI của Việt Nam năm 2022 sẽ tăng trong khoảng 3,2%-4% và vẫn nằm trong mục tiêu 4% của Chính phủ.
Tuy nhiên, ACBS dự kiến những tác động gián tiếp của tăng giá xăng dầu và các chi phí điện, nước, y tế và giáo dục tăng trong năm 2023 sẽ gia tăng áp lực lên lạm phát và chúng tôi dự kiến lạm phát năm 2023 có thể đạt mức cao nhất 4,5% (vẫn trong mục tiêu 4,5% của Chính phủ cho năm 2023).
Bên cạnh đó, ACBS dự kiến thanh khoản hệ thống ngân hàng sẽ duy trì ở mức hiện tại để hỗ trợ tiền đồng từ Ngân hàng Nhà nước.
“Cho nên, chúng tôi dự kiến lãi suất liên ngân hàng có thể tăng thêm 50-100 điểm phần trăm từ mức hiện tại trong tháng cuối của năm 2022 và có thể tăng thêm 50-100 điểm phần trong trong 6 tháng đầu năm 2023 khi FED dự kiến sẽ tiếp tục tăng lãi suất”, ACBS dự báo về khả năng tiếp tục tăng của lãi suất huy động.
ACBS kỳ vọng Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục duy trì chênh lệch lãi suất VND và USD liên ngân hàng dương để hỗ trợ tỷ giá. Do đó, với việc lãi suất điều hành của FED (FFR) tiếp tục cao và cao hơn vào cuối năm, ACBS không kỳ vọng Ngân hàng Nhà nước sẽ hạ nhiều lãi suất liên ngân hàng trong những tháng tới.
“Ngoài ra, chúng tôi duy trì kỳ vọng rằng lãi suất chính sách chính của chúng tôi có thể tăng dần 50 điểm cơ bản vào cuối năm 2022 và tăng thêm 100-200 điểm cơ bản vào năm 2023”, ACBS tiếp tục đưa ra dự báo.
Trong khi đó, VCBS cũng tin rằng xu hướng tăng của lãi suất huy động vẫn tiếp diễn, và mặt bằng lãi suất huy động có thể tăng 250-300 điểm trong cả năm 2022.
“Trong bối cảnh lãi suất huy động chịu áp lực tăng, lãi suất cho vay khó có thể tránh khỏi những áp lực nhất định. Áp lực tăng lên lãi suất cho vay sẽ có độ trễ so với thời điểm tăng của lãi suất huy động, và có sự phân hoá giữa mức tăng, thời điểm tăng giữa các ngành nghề”, VCBS bình luận.
Tag
ĐANG HOT
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm