Thị trường hàng hóa
Lãi suất lập “đỉnh” 11%, rồi lại vọt lên 12,25%/năm
Cuối tuần trước, Hiệp hội Ngân hàng (VNBA) đã tổ chức cuộc họp nội bộ về thanh khoản của hệ thống. Theo đó, các tổ chức tín dụng đồng thuận chia sẻ, hỗ trợ lẫn nhau. Theo đó, thanh khoản sẽ được cải thiện, từ đó duy trì mặt bằng lãi suất huy động không vượt mốc 10%/năm.
Tuy nhiên, thị trường ngân hàng vẫn ghi nhận lãi suất huy động tăng theo ngày. Ngay trong cuối tuần trước, mức “đỉnh” 10,95%/năm của Ngân hàng TMCP Đông Á (DongA Bank) đã bị phá vỡ. Thay vào đó là các “đỉnh” mới 11%/năm, 11,5%/năm và mức cao nhất mới được thiết lập là 12,5%/năm.
Cụ thể, tại Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (MaritimeBank - MSB), mức lãi suất cao nhất được giới thiệu là 11%/năm. Không chỉ MSB, một số đơn vị khác cũng áp dụng mức 11%/năm như Ngân hàng TMCP Sài Gòn Hà Nội (SHB), Ngân hàng TMCP Bản Việt (VietcapitalBank), Ngân hàng TMCP Kiên Long (KienlongBank),…
Tuy nhiên, kỷ lục của các ngân hàng này chỉ được tính theo giờ vì rất nhanh sau đó, thị trường đón nhận kỷ lục mới 11,5%/năm. Kỷ lục mới 11,5%/năm cho kỳ hạn 13 tháng thuộc về Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank).
Dù vậy, mức cao 11,5%/năm không dành cho mọi khách hàng. Chỉ những người có khoản tiền gửi dưới 1.500 tỷ đồng mới nhận được con số hấp dẫn này. Và chắc chắn 11,5%/năm chưa phải lãi suất cao nhất tại ABBank vì ngân hàng cho biết những khoản tiền gửi trị giá cao hơn 1.500 tỷ đồng sẽ có chính sách khác, tùy từng thời điểm.
Ở các kỳ hạn khác, mức lãi mà ABBank cung cấp ra thị trường thấp hơn rất nhiều, chỉ 8,6%/năm cho hai kỳ hạn dài là 48 tháng và 60 tháng, 8,9%/năm cho kỳ hạn 12 tháng.
Thế nhưng, chưa cần phải bước sang tuần mới, cuối tuần trước, Ngân hàng TMCP Quốc Dân (NCB) vươn lên vị trí số 1 trong danh sách “Các ngân hàng có lãi suất huy động cao nhất” với con số 12,25%/năm. Các kỳ hạn được hưởng mức ưu đãi này là từ 12 tháng trở lên.
Đáng chú ý, tại NCB, không chỉ kỳ hạn dài mới nhận được mức ưu đãi cao. Một số kỳ hạn ngắn hơn cũng nhận được lãi suất rất hấp dẫn như kỳ hạn 10 tháng (12,15%/năm). Tuy nhiên, để được hưởng mức cao này, khách hàng phải có khoản tiền gửi lên đến 500 tỷ đồng.
Với tình hình này, 12,25%/năm có lẽ chưa phải “đỉnh” cuối cùng trong cuộc đua lãi suất huy động. Trong chu kỳ suy thoái kinh tế gần đây nhất (bắt đầu từ năm 2008), mức cao nhất của lãi suất huy động là 21%/năm.
Phải biết cách mới được hưởng lãi suất cao
Thực tế, không dễ gì thấy những con số kể trên trên hệ thống công bố chính thức của các ngân hàng.
Với ngân hàng có mức lãi suất huy động cao nhất ở thời điểm hiện tại là NCB, trên website của ngân hàng, biểu lãi suất mới nhất được cập nhật trong ngày 6/12/2022. Theo đó, mức cao nhất “chỉ” là 9,9%/năm, áp dụng cho các kỳ hạn từ 13 tháng tới 60 tháng. Ở các kỳ hạn từ 10 đến 12 tháng, lãi suất là 9,7%/năm.
Tương tự NCB, MSB hiện tại đang nằm trong Top 5 ngân hàng có lãi suất huy động cao nhất nhưng trên website của mình, mức “đỉnh” có thể được tìm thấy “chỉ” là 9,4%/năm, áp dụng cho các kỳ hạn từ 13 tháng cho đến 36 tháng.
Ở các kỳ hạn thấp hơn, mức lãi tại MSB khá hấp dẫn, lên đến 9,2%/năm (kỳ hạn từ 6 tháng tới 11 tháng). Kỳ hạn 12 tháng được áp dụng lãi suất huy động 9,3%/năm.
Còn tại KienlongBank, theo biểu niêm yết được công bố trên website, mức cao nhất chỉ là 8,8%/năm, áp dụng cho 3 kỳ hạn 12 tháng, 13 tháng và 15 tháng, thấp hơn rất nhiều so với con số được giao dịch trên thị trường.
Biểu niêm yết được công bố trên website của các ngân hàng chỉ là để tham khảo. Cũng như nhiều đơn vị khác, tại NCB, chính sách lãi suất áp dụng tại các Chi nhánh, Phòng giao khác nhau là khác nhau. Nghĩa là 1 chi nhánh này có lãi suất 10%/năm nhưng nơi khác có thể cao hơn, hoặc thấp hơn.
Vì vậy, muốn nhận được mức ưu đãi lớn nhất, khách hàng nên đến Chi nhánh, Phòng giao dịch của ngân hàng để tìm hiểu thông tin.
Tag
ĐANG HOT
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm