Thị trường hàng hóa
Tối muộn 23/5, Ngân hàng Nhà nước công bố giảm lãi suất điều hành. Theo đó, trần lãi suất huy động đã xuống 5%/năm. Đây là lần giảm thứ 3 liên tiếp của Ngân hàng Nhà nước trong vòng 2,5 tháng.
Ngay sau đó, nhiều ngân hàng thương mại đồng loạt điều chỉnh giảm lãi suất huy động. Có nơi, mức cao nhất đã "thủng" mốc 7%/năm. Đây là dư địa để hệ thống ngân hàng giảm lãi suất cho vay, từ đó hỗ trợ doanh nghiệp.
Tuy nhiên, khác với kỳ vọng của giới đầu tư, dù lãi suất giảm, chỉ số VN-Index không những không tăng mà còn suy giảm khiến nhà đầu tư mất mát không nhỏ.
Nguyên nhân là do sau 2 đợt giảm lãi suất trước, số lượng người vay tiếp cập được với lãi suất giá rẻ không nhiều, đặc biệt tăng trưởng tín dụng quý 1/2023 đứng ở mức rất thấp.
Đóng cửa phiên giao dịch cuối tuần trước, VN-Index dừng ở mức 1.063,76 điểm, giảm 2,09 điểm, tương đương 0,2% so với phiên 23/5, thời điểm trước khi thông tin giảm lãi suất lần 3 được công bố. Kết quả là vốn hóa thị trường sàn TP HCM giảm 8.316 tỷ đồng.
Công ty chứng khoán VCBS bình luận trong tuần vừa qua, thị trường không có nhiều sự thay đổi quá tích cực về mặt điểm số nhưng sự phân hóa được thể hiện khá rõ ràng với việc lực cầu luân phiên tìm đến các nhóm ngành khác nhau để duy trì điểm số trong vùng điểm từ 1.060 - 1.070 điểm. Trong đó nhóm cổ phiếu dầu khí và xây dựng là nổi bất nhất với mức tăng xấp xỉ 3%.
Sau đợt giảm lãi suất điều hành ngày 23/5, Ngân hàng Nhà nước đã có cuộc họp với lãnh đạo cấp cao 26 ngân hàng thương mại. Theo đó, các ngân hàng thương mại đồng thuận từ ngày 29/5, giảm 0,5 điểm % lãi suất cho vay đối với dư nợ hiện hữu nhằm hỗ trợ tài chính cho khách hàng trong bối cảnh sản xuất - kinh doanh có dấu hiệu chậm lại.
VCBS đánh giá đây tiếp tục là tín hiệu tích cực thể hiện chính sách nhất quán của Ngân hàng Nhà nước trong việc kéo giảm chi phí lãi vay của nền kinh tế, hỗ trợ khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp và người dân ở mức lãi suất thấp hơn.
Mặc dù động thái giảm lãi suất của hệ thống ngân hàng chưa tác động tích cực tới thị trường chứng khoán nhưng do chính sách này cần độ trễ nên giới chuyên gia vẫn kỳ vọng VN-Index sẽ sớm khởi sắc nhờ lãi suất giảm. Dù vậy, vẫn có một yếu tố kìm hãm thị trường. Đó là động thái bán ròng của khối ngoại.
VCBS đã đưa ra kịch bản tích cực, VN-Index sẽ tiếp tục rung lắc từ 1 - 3 phiên và bước vào nhịp tăng điểm mới. VCBS khuyến nghị các nhà đầu tư tiếp tục bám sát thị trường, có thể cân nhắc giải ngân từ 20 - 30% đối với những cổ phiếu đang có xu hướng điều chỉnh tích lũy, kiểm tra thành công khu vực kháng cự thuộc các nhóm ngành như chứng khoán, dầu khí, xây dựng.
Dù vậy, VCSB vẫn nhấn mạnh vào động thái của nhà đầu tư nước ngoài. Theo VCBS, trước diễn biến chưa rõ xu hướng của thị trường, khối ngoại tiếp tục đẩy mạnh bán ròng trong phiên cuối tuần với thanh khoản 395 tỷ, tập trung bán HSG, NVL, VND.
Trong khi đó, Công ty chứng khoán Mirae Asset đặc biệt nhấn mạnh vào yếu tố khối ngoại khi khối này bất ngờ bán ròng cả 5 phiên với giá trị mỗi phiên duy trì mức cao.
Theo tính toán của Mirae Asset, tuần qua (22 - 26/5/2023), nhóm cá nhân trong nước mua ròng mạnh nhất với tổng giá trị hơn 3,796 tỷ đồng, ngược lại nhóm tổ chức nước ngoài bán mạnh nhất trong tuần qua với 2,354 tỷ đồng
Tuần qua, các quỹ đồng loạt bị rút ròng. Trong đó, nhóm quỹ mở như VN-Diamond, VFMVN30, E1VFVN30 (Thái Lan) là các quỹ bán mạnh nhất với giá trị rút ròng lần lượt 4,1 triệu USD, 11,9 triệu USD và 6,5 triệu USD. Trong nhóm quỹ đóng thì nhóm quỹ do Dragon Capital quản lý đã bán ra 3,5 triệu USD dẫn đầu nhóm này
Theo Mirae Asset, Việt Nam là một trong số ít các nước bị khối ngoại bán ròng, chỉ xếp sau Thái Lan. Dòng vốn ngoại mua ròng mạnh ở các nước Nhật Bản, Đài Loan và Hàn Quốc.
Tag
ĐANG HOT
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm