Thị trường hàng hóa
Lần thứ 3 kể từ đầu năm đến nay, lãi suất điều hành đã được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) mạnh mẽ cắt giảm để phù hợp với với diễn biến chung của nền kinh tế trong nước.
Việc tiếp tục điều chỉnh giảm các mức lãi suất điều hành là giải pháp linh hoạt, phù hợp với điều kiện thị trường hiện nay để hỗ trợ quá trình phục hồi tăng trưởng kinh tế theo chủ trương của Quốc hội và Chính phủ, qua đó tiếp tục định hướng giảm mặt bằng lãi suất cho vay của thị trường, góp phần tháo gỡ khó khăn cho người vay vốn ngân hàng. Đồng thời, việc điều chỉnh giảm trần lãi suất tiền gửi bằng VND các kỳ hạn từ 1 đến dưới 6 tháng cũng hỗ trợ các tổ chức tín dụng giảm chi phí đầu vào. Từ đó có điều kiện thuận lợi giảm lãi suất cho vay, tăng khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp và người dân, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Với lần giảm thứ 3 này, kể từ ngày 25/5, mức lãi suất điều hành đã được giảm với tổng mức giảm là 0,5-1,5%/năm.
Chuyên gia kinh tế- TS. Võ Trí Thành - Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia cho rằng, quyết định giảm lãi suất điều hành của NHNN là phù hợp với diễn biến tình hình trong nước cũng như quốc tế. Động thái này cũng sẽ mang lại tác động tích cực tới các doanh nghiệp trong bối cảnh đẩy mạnh hồi phục sản xuất- kinh doanh như hiện nay, góp phần vào thực hiện các mục tiêu kinh tế vĩ mô.
Diễn biến lãi suất trên thị trường ngay lập tức được các doanh nghiệp hồ hởi đón nhận. Theo ông Dương Xuân Lập, Phó Tổng giám đốc một doanh nghiệp liên quan tới lĩnh vực vật liệu xây dựng có trụ sở tại Đông Anh (Hà Nội), lãi suất điều hành giảm sẽ giúp các ngân hàng thương mại tính toán để điều chỉnh mức lãi suất cho vay, giúp doanh nghiệp có cơ hội tiếp cận giá vốn hợp lý để đẩy mạnh kinh doanh.
Từ hôm nay, 25/5, nhiều ngân hàng thương mại cũng đã điều chỉnh lãi suất huy động để tiến tới cân đổi giảm lãi xuất cho vay. Theo đó, các ngân hàng thương mại cổ phần hầu hết điều chỉnh giảm 0,5%/năm cho các kỳ hạn dưới 6 tháng và hiện lãi suất huy động từ 1-6 tháng ở nhóm này dao động khoảng 4,8-5%/năm. Với các ngân hàng thương mại cổ phần có vốn nhà nước chi phối, lãi suất huy động ngắn hạn từ 1-2-3 tháng đều được điều chỉnh giảm sâu, còn từ 4,1- 4,6%/năm.
Theo một Lãnh đạo NHNN, các tổ chức tín dụng đã và đang có các biện pháp giảm lãi suất cho vay ngay trong tháng 5 này nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân và nền kinh tế phục hồi sản xuất kinh doanh.
Ông Lê Quang Vinh – Phó Tổng giám đốc Vietcombank thông tin: khi mặt bằng lãi suất huy động được giảm đồng đều thì đương nhiên lãi suất cho vay cũng sẽ giảm tương ứng. Vietcombank cũng đang theo sát và sẽ khẩn trương triển khai đợt giảm lãi suất để đảm bảo đáp ứng đúng nhu cầu của nền kinh tế, của người dân, cũng như là hỗ trợ tốt hơn cho sự phát triển chung. Vị lãnh đạo này cũng chia sẻ thêm rằng, từ đầu năm đến nay, Vietcombank đã 2 lần giảm lãi suất rất lớn, một là từ 1/1 – 30/4 ngân hàng giảm đồng loạt 0,5% trên số lượng khách hàng được giảm lãi suất là 130.000 khách hàng, với số tiền lãi suất được giảm tương đương 800.000 tỷ đồng. Ngay sau khi đợt 1 kết thúc, chúng tôi đã triển khai tiếp đợt 2, từ 1/5 – 31/7 với số lượng khách hàng được giảm lãi suất khoảng 110.000 khách hàng, quy mô dư nợ được hạ lãi suất là khoảng 700.000 tỷ.
“Việc giảm lãi suất là sự đồng thuận, đồng lòng của các ngân hàng cũng như là mong muốn, nguyện vọng của đông đảo người dân cũng như doanh nghiệp”- ông Vinh bày tỏ.
Theo ông Phạm Như Ánh- Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Quân đội (MB), đây là thời điểm thích hợp giúp các ngân hàng hạ lãi suất huy động và từ đó tạo điều kiện giảm lãi suất cho vay. Với thị trường hiện đang hấp thu vốn rất yếu và kinh tế rất khó khăn như hiện nay thì việc giảm lãi suất điều hành giảm được rất nhiều khó khăn cho khách hành và cả các ngân hàng trong thời gian tới.
Tăng trưởng tín dụng của MB từ đầu năm đến nay khoảng 6,5% chúng tôi kì vọng rằng với mặt bằng lãi suất mới thấp hơn chúng tôi sẽ đạt được mức tăng trưởng tin dụng tốt hơn trong các tháng còn lại, dự kiến hết tháng 6 tốc độ tăng trưởng của MB sẽ đạt mức 9%- ông Ánh chia sẻ.
Đồng quan điểm, Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Tiên Phong, ông Nguyễn Hưng cho rằng, các động thái giảm lãi suất điều hành của NHNN khá phù hợp. Nó gửi tín hiệu đến thị trường cho thấy nhà điều hành mong muốn lãi suất của thị trường hạ xuống. Trong quý IV/2022 và quý I/2023 có lúc lãi suất lên khá cao nhưng sau các quyết định điều chỉnh lãi suất của NHNN thì lãi suất giảm. Và, chỉ khi các lãi suất trên thị trường hạ xuống chi phí vốn hạ thì các ngân hàng thương mại mới có khả năng điều chỉnh mức lãi suất cho vay cho DN và người dân, khi đó sẽ hỗ trợ tốt hơn cho phát triển kinh tế.
“Nếu giảm được chi phí vốn các ngân hàng rất có cơ hội giảm đáng kể hơn LS cho vay. Nếu vậy cúng tôi cũng đưa ra một số chương trình hỗ trợ cho người dân vay vốn, hạ lãi suất cho vay xuống để giúp cho doanh nghiệp vượt qua khó khăn”- ông Hưng thông tin, đồng thời nhận định rằng, một khi lãi suất dễ chịu hơn, lúc ấy mọi việc sẽ thuận lợi hơn, các quyết định đầu tư, sản xuất kinh doanh sẽ có thể khả thi hơn, chúng ta có thể kỳ vọng tín dụng sẽ tăng trưởng.
Lãnh đạo NHNN khẳng định, sẽ tiếp tục theo dõi sát diễn biến trong nước, quốc tế, dự báo lạm phát và lãi suất thị trường để điều hành lãi suất phù hợp; tiếp tục có giải pháp khuyến khích các ngân hàng tiết giảm chi phí để giảm mặt bằng lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh.
Tag
ĐANG HOT
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm