Thị trường hàng hóa
2 tháng đầu năm, xuất khẩu thuỷ sản đạt trên 1,3 tỷ USD
Năm 2023, kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản đạt 9 tỷ USD, thấp hơn 18% so với năm 2022. Lạm phát cao, nhu cầu giảm, tồn kho lớn, giá xuất khẩu giảm và những khó khăn, bất cập trong sản xuất kinh doanh trong nước như chi phí đầu vào cho cả chuỗi cung ứng đều tăng, thẻ vàng IUU ảnh hưởng đến xuất khẩu hải sản sang EU… là những nguyên nhân cơ bản tác động đến xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam trong năm vừa qua.
Tuy nhiên, tháng 1/2024, xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam đã tăng bứt phá đến 64% so với cùng kỳ năm 2023. Tính đến hết tháng 2/2024, xuất khẩu thuỷ sản đã đạt trên 1,3 tỷ USD, tăng 23% so với cùng kỳ năm 2023.
Sau khi sụt giảm liên tục từ quý IV/2022, xuất khẩu thuỷ sản từ quý IV/2023 đã có chiều hướng tích cực hơn và đột phá mạnh mẽ vào tháng 1 khi nhu cầu mua hàng phục vụ Tết Nguyên đán ở nhiều thị trường gia tăng, nhất là Trung Quốc và các nước châu Á.
Hết tháng 2/2024, xuất khẩu tôm và cá ngừ đều tăng 37% so với cùng kỳ năm ngoái, xuất khẩu cá tra tăng 15% và các loài khác tăng 8%.
Xuất khẩu tôm có tín hiệu khả quan ở nhiều thị trường như Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản, Canada, Australia. Đặc biệt tại thị trường Trung Quốc, nhu cầu đang phục hồi tốt, trong khi nước xuất khẩu cạnh tranh là Ecuador đang bị cảnh báo bởi tôm có chất sulfit và vấn đề cước vận tải tăng do căng thẳng Biển Đỏ cũng khiến cho nhập khẩu tôm Ecuador vào thị trường Trung Quốc sụt giảm.
Bên cạnh đó, hoạt động xuất khẩu cá tra tháng đầu năm 2024 cũng được đánh giá là khá tích cực. Trong đó, Hoa Kỳ và Trung Quốc sẽ là những thị trường có triển vọng phục hồi trong năm 2024 do tồn kho giảm và nhu cầu tiếp tục gia tăng. Lạm phát “hạ nhiệt”, khả năng chi tiêu tại Hoa Kỳ được dự đoán sẽ cải thiện hơn so với trước đó. Thị trường cá tra tại Trung Quốc dự kiến sẽ “sôi động” hơn nhờ các chính sách hỗ trợ thị trường bất động sản và kích thích tiêu dùng của Chính phủ Trung Quốc trong nửa đầu năm 2024.
Xem thêm bài viết "Tranh thủ "thời cơ", Việt Nam tăng tốc xuất khẩu cá tra" trên Tạp chí Công Thương tại đây.
Xuất khẩu thuỷ sản sẽ phục hồi mạnh mẽ trong 2024
Các doanh nghiệp xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam vẫn còn phải đối mặt với tình trạng dư cung, tồn kho nhiều, giá thấp và áp lực cạnh tranh lớn,… Cùng với đó là những thách thức mới như căng thẳng Biển Đỏ làm cước vận tải tăng, thẻ vàng IUU và thuế chống trợ cấp sẽ gây ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động xuất khẩu của doanh nghiệp.
“Mặc dù nhiều doanh nghiệp cho rằng thị trường chưa thực sự khởi sắc và còn nhiều khó khăn, nhưng những con số tăng trưởng của tháng đầu năm đã mang lại sự tin tưởng và hy vọng vào sự hồi phục mạnh mẽ hơn trong năm nay.” - Bà Nguyễn Thị Thu Sắc bày tỏ tin tưởng.
Thời gian tới, để đảm bảo chuỗi cung ứng và chuỗi giá trị ngành thuỷ sản chất lượng, an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc, hướng tới mục tiêu nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững cho ngành hàng thuỷ sản, bà Nguyễn Thị Thu Sắc đề xuất một số giải pháp, cụ thể:
Về chất lượng, toàn ngành cần tiếp tục quan tâm, đầu tư và giữ vững thương hiệu chất lượng an toàn của thuỷ sản Việt Nam.
Về thị trường, cộng đồng doanh nghiệp thuỷ sản cùng các địa phương và cơ quan nhà nước cần tiếp tục chung tay gia tăng xuất khẩu tại các thị trường truyền thống, đồng thời, thâm nhập và khai thác thêm nhiều hơn nữa các thị trường tiềm năng như Ấn Độ, Trung Đông, ASEAN,…
“VASEP và cộng đồng doanh nghiệp tin tưởng và trông đợi vào sự tiếp tục đồng hành và hỗ trợ của Chính phủ, các Bộ, ngành liên quan trong hoạt động cải cách thủ tục hành chính và các hỗ trợ nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp và nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp cũng như ngành thuỷ sản.
Mong rằng với sự đồng hành này sẽ giúp ngành thuỷ sản Việt Nam giải quyết được bài toán của từng lĩnh vực ngành hàng như: vấn đề chất lượng giống tôm, giống cá tra, thức ăn nuôi thuỷ sản, cải thiện năng suất và giảm giá thành sản xuất,…” - Bà Nguyễn Thị Thu Sắc nhấn mạnh.
ĐANG HOT
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm