Thị trường hàng hóa
Xuất khẩu cá tra nửa cuối năm trông vào thị trường Hoa Kỳ
Sản lượng xuất khẩu cá tra của Việt Nam theo thị trường, theo quý. (Nguồn: AgroMonitor, Vietcap)
Theo đánh giá mới nhất của hãng chứng khoán Vietcap, hoạt động xuất khẩu cá tra của Việt Nam dự kiến sẽ khởi sắc hơn từ quý 3/2023, đặc biệt là nhu cầu tại một số thị trường trọng điểm như Hoa Kỳ và Trung Quốc được kỳ vọng sẽ phục hồi.
Đối với thị trường Hoa Kỳ, mức tiêu thụ ngành thực phẩm và đồ uống (F&B) của nước này nhìn chung ổn định trong nửa đầu năm 2023. Tính đến tháng 7/2023, chỉ số niềm tin người tiêu dùng (CCI) tại Hoa Kỳ đã tăng 10% so với thời điểm đầu năm nay. Yếu tố này cùng với thời điểm mùa lễ hội cuối năm sẽ là những tín hiệu tích cực đối với triển vọng tăng trưởng tiêu thụ ngành F&B của Hoa Kỳ trong nửa cuối năm nay.
Tỷ lệ tồn kho/doanh số bán lẻ ngành F&B tại Hoa Kỳ. (Nguồn: Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ, Vietcap)
Đáng chú ý, tại các nhà cung cấp/nhà phân phối, tỷ lệ tồn kho trên doanh số bán lẻ F&B của Mỹ đạt 0,78 trong 5 tháng đầu năm 2023 - tương đương mức trung bình giai đoạn 2007 – 2023. So với các giai đoạn khủng hoảng kinh tế trước đây, mức tồn kho này được xem là mức chấp nhận được. Với kỳ vọng mức tiêu thụ trong ngành F&B sẽ tăng lên, hoạt động tích trữ hàng tồn kho sẽ gia tăng theo, từ đó thúc đẩy lượng đơn hàng xuất khẩu trong nửa cuối năm 2023.
Đối với thị trường Trung Quốc, mặc dù nước này đã mở cửa trở lại kể từ tháng 1/2023, các thách thức kinh tế của nước này đã khiến tốc độ phục hồi chi tiêu của người tiêu dùng tại đây giảm tốc kể từ tháng 4/2023. Điều này đã khiến hoạt động xuất khẩu cá tra của Việt Nam sang Trung Quốc trong nửa đầu năm nay yếu hơn kỳ vọng.
Hoạt động chi tiêu của người tiêu dùng Trung Quốc đã suy giảm đáng kể trong những tháng gần đây. (Nguồn: Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc, Vietcap)
Ngoài ra, tính đến tháng 8/2023, tỷ giá Nhân dân tệ/Việt Nam Đồng đã giảm 4,5% so với cùng kỳ năm ngoái cũng đã tác động đến hoạt động xuất khẩu nói chung của Việt Nam trong ngắn hạn. Tuy nhiên, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu gặp nhiều khó khăn, cá tra vẫn là một loại thực phẩm được lựa chọn nhờ giá cả hợp lý cho người tiêu dùng. Vietcap hiện dự báo nhu cầu tiêu dùng và đơn hàng xuất khẩu cá tra của Việt Nam sang Trung Quốc sẽ phục hồi nhẹ hơn trong nửa cuối năm 2023 so với nửa đầu năm.
Kim ngạch xuất khẩu cá tra của Việt Nam trong quý 2/2023 đã tăng 7% so với quý 1/2023, ngắt mạch tăng trưởng âm trong 3 quý liên tiếp (kể từ quý 3/2022). Đáng chú ý, sản lượng xuất khẩu sang Hoa Kỳ và châu Âu trong quý 2/2023 lần lượt tăng 39% và 9% so với quý 1/2023; trong khi đó sản lượng xuất khẩu sang Trung Quốc giảm 3% so với quý 1/2023.
Xem thêm: "Thuỷ sản Vĩnh Hoàn (VHC): Thị trường nội địa bất ngờ trở thành trụ đỡ cho hoạt động kinh doanh" trên Tạp chí Công Thương tại đây.
Chi phí đầu vào tăng cao khiến nguồn cung cá tra suy giảm
Về phía nguồn cung, nguồn cung đã giảm xuống trong nửa đầu năm nay và có thể tiếp tục giảm trong những tháng còn lại của năm. Nguồn cung cá tra từ nông dân hạn chế do giá cá nguyên liệu thấp và chi phí nuôi trồng nuôi cao.
Mức tồn kho cá tra nguyên liệu ở Đồng Bằng Sông Cửu Long. (Nguồn: Tổng cục Thống kê, Vietcap)
Dữ liệu của hãng nghiên cứu thị trường AgroMonitor cho thấy, trong nửa đầu năm 2023, hiệu suất nuôi trồng cá tra nguyên liệu đã giảm tới 15% so với cùng kỳ năm ngoái. Ngoài ra, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết nông dân đã giảm cho ăn và trì hoãn chu kỳ nuôi mới do giá cá nguyên liệu giảm xuống dưới mức hòa vốn, ảnh hưởng đến hoạt động nuôi trồng thuỷ sản.
Trong nửa đầu năm 2023, điều kiện thời tiết xấu đã ảnh hưởng đến sức khỏe của cá do chi phí bột cá vẫn ở mức cao, điều này ảnh hưởng tiêu cực đến lợi nhuận của nông dân. Giá đậu tương và ngô, những nguyên liệu chính để chế biến bột cá, đã tăng kể từ tháng 6/2023. Điều này sẽ tác động đến chi phí bột cá trong nửa cuối năm 2023 và góp phần làm chậm quá trình mở rộng nguồn cung. Chi phí ngũ cốc thường chiếm đến 50% chi phí bột cá, theo VASEP. Với các yếu tố trên, tình trạng khan hiếm nguồn cung này có thể kéo dài trong nửa cuối năm 2023 và đầu năm 2024 trong bối cảnh hiện tượng El Nino diễn ra.
Giá xuất khẩu trung bình của phi lê cá tra, cá rô phi, cá tuyết Đại Tây Dương và cá tuyết chấm đen đông lạnh. (Nguồn: Globefish, NOAA, Vietcap)
Xem thêm: "Giá đường trong nước có thể hạ nhiệt, cổ phiếu QNS chịu áp lực điều chỉnh" trên Tạp chí Công Thương tại đây.
Xét về các yếu tố vĩ mô, khi những lo ngại về suy thoái kinh tế hạ nhiệt và lạm phát được kiểm soát, hoạt động tiêu dùng, dịch vụ ăn uống toàn cầu sẽ có cơ hội phục hồi trở lại. Đồng thời, tăng trưởng kinh tế chậm và những thách thức khác mà thị trường toàn cầu đang phải đối mặt là những động lực chính thúc đẩy người tiêu dùng lựa chọn cá nuôi có giá thành thấp hơn thay vì các loại cá đánh bắt tự nhiên giá cao, đưa cá tra vào vị thế thuận lợi như một lựa chọn thay thế cá thịt trắng.
Như vậy, cán cân cung-cầu diễn ra thuận lợi hơn sẽ giúp tăng giá bán cá tra nguyên liệu và cá tra phi lê cho các nhà xuất khẩu cá tra trong nửa cuối năm 2023 và nửa đầu năm 2024. Theo Vietcap, tình hình này tương tự giai đoạn 2021-2022 khi các nhà chế biến phi lê cá có tỷ lệ tự cung cấp cá nguyên liệu cao, được hưởng lợi khi có thể mở rộng diện tích nuôi trồng và mở rộng thị phần xuất khẩu trong khi các công ty khác bị ảnh hưởng bởi nguồn cung hạn chế.
Tag
ĐANG HOT
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm