Thị trường hàng hóa
Theo số liệu của Bộ Công Thương, 4 tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc đạt 16,4 tỷ USD, giảm 7,9%. Trung Quốc vẫn là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam và là thị trường lớn nhất của nông sản Việt.
Kể từ khi Trung Quốc mở cửa biên giới từ ngày 8/1, xuất khẩu hàng hoá sang thị trường này được kỳ vọng rất nhiều, song thực tế không tăng cao như dự kiến. Đơn cử, với mặt hàng thuỷ sản, theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP), xuất khẩu cá tra sang thị trường này chưa hồi phục vì giá trung bình xuất khẩu giảm. Hơn nữa, nhu cầu tiêu thụ của thị trường này hồi phục chậm hơn so với dự đoán. Tính đến hết tháng 4, xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang Trung Quốc ước đạt 435 triệu USD, giảm 37%.
Mở cửa sau dịch Covid-19, thị trường bất động sản Trung Quốc vẫn trầm lắng và lợi nhuận công nghiệp sụt giảm sâu, nền kinh tế phải đối mặt với những cơn gió ngược liên tục, khiến khả năng phục hồi chậm và không có dấu hiệu bền vững. Chính sản xuất nội địa của Trung Quốc cũng đang khó khăn vì chi tiêu của khách hàng yếu hơn dự kiến.
Về nhập khẩu, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 33,2 tỷ USD sau 4 tháng. Tuy nhiên, con số này cũng giảm đến 13,4% so với cùng kỳ năm trước.
Mặc dù có sự sụt giảm, song xét trong bối cảnh thương mại khó khăn và so sánh với nhiều thị trường khác, hiện Trung Quốc vẫn là thị trường tiêu thụ chủ lực và đa dạng mặt hàng của Việt Nam.
Bộ Công Thương dự báo, trong quý II/2023, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc sẽ có sự cải thiện nhất định. Song, Trung Quốc hiện không còn là thị trường dễ tính như trước, không phải hàng hóa nào thị trường Trung Quốc cũng chấp nhận. Mặt khác, kinh tế Trung Quốc dù lớn nhưng chủ yếu vẫn xuất khẩu, vì Trung Quốc đã và đang sẽ là công xưởng của thế giới. Mặt hàng xuất khẩu của Trung Quốc rất tương đồng với Việt Nam, điều này vừa tạo ra lợi thế và thách thức đối với hàng hóa Việt Nam.
Bộ Công Thương chỉ rõ, nền kinh tế Trung Quốc đã đặt ra kế hoạch và đang hướng tới mục tiêu tăng trưởng chất lượng cao, phủ rộng hầu hết các lĩnh vực của nền kinh tế. Điều này cũng đồng nghĩa với việc Trung Quốc đã và sẽ tiếp tục đặt ra những yêu cầu cao hơn đối với tiêu chuẩn hàng hóa cả xuất khẩu và nhập khẩu. Đây là xu thế tất yếu, không thể đảo ngược và đòi hỏi các nhà sản xuất và xuất khẩu hàng hóa trên thế giới nói chung, Việt Nam nói riêng phải thay đổi và thích ứng.
Trong thời gian tới, để hoạt động xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc khôi phục và phát triển bền vững, Bộ Công Thương khuyến nghị các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu nông sản, thực phẩm cần chú ý nghiên cứu và khẩn trương hoàn tất thủ tục đăng ký trước khi xuất khẩu nông sản, thực phẩm sang thị trường Trung Quốc.
Phối hợp với đối tác Trung Quốc đa dạng hóa tuyến xuất khẩu hàng hóa qua các cửa khẩu biên giới, tránh tập trung vào một vài cửa khẩu biên giới nhất định hoặc tận dụng tuyến vận tải biển, vận tải đường sắt liên vận Việt Nam – Trung Quốc, hạn chế tối thiểu nguy cơ gây ùn tắc tại các cửa khẩu trong mùa cao điểm.
Nghiên cứu kỹ thông tin, tín hiệu và các quy định, tiêu chuẩn của thị trường, tuân thủ đầy đủ các điều kiện về đăng ký doanh nghiệp, các tiêu chuẩn chất lượng, kiểm nghiệm kiểm dịch, bao bì đóng gói, truy xuất nguồn gốc...
Tăng cường tham dự các chương trình hội chợ, triển lãm quốc tế do các địa phương, cơ quan trung ương hai nước phối hợp tổ chức nhằm tăng cường kết nối trực tiếp sau thời gian hạn chế kéo dài của dịch bệnh.
Sắp tới, Bộ Công Thương cũng sẽ tổ chức nhiều hoạt động xúc tiến thương mại quy mô tại thị trường Trung Quốc, trong đó, Vụ Thị trường châu Á - châu Phi sẽ có một số hoạt động hướng tới cả thị trường truyền thống (cụ thể là Quảng Tây) và thị trường mới nằm sâu trong nội địa Trung Quốc (Sơn Đông, Hà Bắc). Đây là cơ hội cho doanh nghiệp Việt mở rộng thị trường.
Tag
ĐANG HOT
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm