Thị trường hàng hóa
Kim ngạch xuất nhập khẩu đạt kỷ lục
Thông tin Tổng cục Thống kê công bố sáng 29/12 cho thấy, trong tháng 12, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa ước đạt 58,82 tỷ USD, tăng 2,7% so với tháng trước và giảm 11,2% so với cùng kỳ năm trước.
Tính chung cả năm 2022, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa ước đạt 732,5 tỷ USD, tăng 9,5% so với năm trước. Đây là con số kỷ lục trong nhiều năm trở lại đây. Trong đó xuất khẩu tăng 10,6%; nhập khẩu tăng 8,4%. Cán cân thương mại hàng hóa năm 2022 ước tính xuất siêu 11,2 tỷ USD.
Trong đó, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 12/2022 ước đạt 29,66 tỷ USD, tăng 2,2% so với tháng trước, giảm 14% so với cùng kỳ năm trước. Quý IV/2022, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 89,5 tỷ USD, giảm 7,1% so với quý III/2022 và giảm 6,1% so với cùng kỳ năm trước.
Tính chung cả năm 2022, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 371,85 tỷ USD, tăng 10,6% so với năm trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 95,09 tỷ USD, tăng 6,5%, chiếm 25,6% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 276,76 tỷ USD, tăng 12,1%, chiếm 74,4%. Trong năm 2022 có 36 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 94% tổng kim ngạch xuất khẩu (có 08 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 70,1%).
Để đạt được con số này, thời gian qua, Bộ Công Thương và nhiều Bộ ngành khác đã nỗ lực tạo thuận lợi cho thương mại và cải cách hành chính để hoạt động xuất nhập khẩu của doanh nghiệp gặp nhiều thuận lợi nhất. Theo đó, Bộ Công Thương đã tăng cường chuyển giao cho doanh nghiệp tự chứng nhận xuất xứ. Nếu như trước đây, phần lớn đều là doanh nghiệp phải đến các cơ quan chức năng như Bộ Công Thương để được cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) thì hiện nay, Bộ Công Thương đang đi theo xu hướng sẽ chuyển dịch dần sang cho doanh nghiệp tự chứng nhận nhằm giảm bớt thời gian và chi phí.
Bên cạnh đó, Bộ Công Thương đang tiến hành là đẩy mạnh việc cấp C/O điện tử. Hiện nay trong ASEAN đã cấp C/O điện tử 100%. Ngoài ra, Bộ Công Thương đang chủ động cấp C/O điện tử và trao đổi dữ liệu điện tử, công nhận dữ liệu điện tử để doanh nghiệp được hưởng ưu đãi với rất nhiều đối tác, trong đó có Hàn Quốc, khối EAEU…
Đặc biệt, một trong những điểm sáng của hoạt động xuất khẩu năm 2022 là nhóm hàng nông sản đã có sự tăng trưởng ấn tượng ở nhiều nhóm hàng như cà phê, chè, tiêu, sắn, gạo…
Cơ cấu hàng hóa xuất khẩu tiếp tục cải thiện theo chiều hướng tích cực, giảm hàm lượng xuất khẩu thô, tăng xuất khẩu sản phẩm chế biến, sản phẩm công nghiệp, tạo điều kiện cho hàng hóa Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu. Nhóm hàng công nghiệp chế biến tiếp tục chiếm tỷ trọng chủ yếu trong cơ cấu xuất khẩu, chiếm hơn 86% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 12/2022 ước đạt 29,16 tỷ USD, tăng 3,1% so với tháng trước, giảm 8,1% so với cùng kỳ năm trước. Trong quý IV/2022, kim ngạch nhập khẩu ước đạt 85,07 tỷ USD, giảm 5,8% so với quý III/2022 và giảm 3,9% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung cả năm 2022, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 360,65 tỷ USD, tăng 8,4% so với năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 125,79 tỷ USD, tăng 10%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 234,86 tỷ USD, tăng 7,5%. Trong năm 2022 có 46 mặt hàng nhập khẩu đạt trị giá trên 1 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 93,3% tổng kim ngạch nhập khẩu (có 06 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 52,1%).
Phấn đấu kim ngạch xuất nhập khẩu tăng khoảng 6%
Năm 2023 là năm giữa nhiệm kỳ, có ý nghĩa rất quan trọng, tạo lập nền tảng thực hiện thắng lợi, toàn diện các mục tiêu kế hoạch 5 năm 2021-2025, trong bối cảnh tình hình quốc tế, trong nước được dự báo tiếp tục có những thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen. Để góp phần đạt tốc độ tăng trưởng GDP của cả nước năm 2023 ở mức 6,5%, ngành Công Thương phấn đấu kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 6%; cán cân thương mại duy trì trạng thái thặng dư.
Đáng chú ý, vừa qua, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 493/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa đến năm 2030 với mục tiêu xuất nhập khẩu phát triển bền vững với cơ cấu cân đối, hài hoà, phát huy lợi thế cạnh tranh, lợi thế so sánh, phát triển thương hiệu hàng hoá Việt Nam, nâng cao vị thế quốc gia trong chuỗi giá trị toàn cầu, là động lực của tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững.
Trong Chiến lược này, Chính phủ đặt mục tiêu, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa bình quân 6 - 7%/năm trong thời kỳ 2021 – 2030. Đây là con số không cao so với thực tế tăng trưởng bình quân nhiều năm qua bởi ngay cả trong những thời điểm khó khăn, tác động ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, tăng trưởng xuất khẩu luôn tăng trưởng ở mức 2 con số… Song, quan điểm Chiến lược đề cập đến là phát triển xuất khẩu bền vững thay cho phát triển xuất khẩu nhanh. Đồng thời cũng chỉ rõ các yếu tố để đạt được sự bền vững: hài hoà về cơ cấu, cán cân thương mại, về mục tiêu ngắn hạn/dài hạn, về công bằng xã hội, về bảo vệ môi trường. Chiến lược cũng đề cập vấn đề thương mại xanh, thương mại công bằng đang là mối quan tâm của các nước phát triển.
Bộ Công Thương xác định sẽ tập trung thực hiện đồng bộ và triển khai hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã có hiệu lực để mở rộng, đa dạng hóa thị trường, chuỗi cung ứng và mặt hàng xuất nhập khẩu. Tăng cường khai thác các thị trường lân cận, còn tiềm năng, chuyển mạnh sang xuất khẩu chính ngạch gắn với xây dựng thương hiệu, thúc đẩy xuất khẩu bền vững. Tiếp tục đổi mới công tác xúc tiến thương mại, phát triển hạ tầng số nhằm đẩy mạnh phân phối hàng hóa thông qua các kênh thương mại điện tử; nâng cao chất lượng hàng hóa theo hướng đáp ứng các quy định về TBT, SPS, yêu cầu về tiêu chuẩn môi trường, chất lượng sản phẩm và quy tắc xuất xứ hàng hóa. Chú trọng quản lý nhập khẩu.
Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng xác định đẩy mạnh xúc tiến thương mại, tập trung vào các chương trình xúc tiến thương mại truyền thống, nhất là khi đại dịch đã cơ bản được kiểm soát ở nhiều quốc gia trên thế giới.
Tag
ĐANG HOT
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm