Thị trường hàng hóa
Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương, về số liệu giải ngân vốn đầu tư công, trong báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tham mưu cho Chính phủ đã nêu rõ, tỷ lệ giải ngân đạt 46,7% tổng số kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao, tuy có thấp hơn so với cùng kỳ năm trước về tỷ lệ % một chút (năm ngoái là 47,38%), nhưng số tuyệt đối cao hơn năm trước là gần 35.000 tỷ đồng.
Nguyên nhân chính là do tổng lượng vốn đầu tư công năm 2022 nhiều hơn tổng lượng vốn đầu tư công năm 2021, nên tỷ trọng % có thể thấp hơn một chút, nhưng hệ số tuyệt đối về vốn thì cao hơn, dẫn đến kết quả là vốn đầu tư công giải ngân trong năm 2022 cao hơn về số tuyệt đối so với năm 2021 là 16%.
Kết quả giải ngân như trên là một phần nguyên nhân tác động đến tăng trưởng GDP của quý III, cũng như 9 tháng đầu năm 2022.
"Kết quả tăng trưởng GDP là tổng hòa của rất nhiều nguyên nhân, như tác động của tăng trưởng kinh tế các ngành, các cấp, các lĩnh vực, các địa phương, các chủ thể kinh tế… Xu thế chung của năm 2022 đối với nền kinh tế nước ta là sự phục hồi ngoài dự báo của rất nhiều tổ chức quốc tế và trong nước, cũng như các chuyên gia. Thực tiễn cho thấy, kết quả chúng ta đạt rất tích cực", lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết.
Thứ trưởng cũng cung cấp thông tin về dự báo tăng trưởng GDP 2022. Cụ thể, trong báo cáo tham mưu với Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đưa ra 2 kịch bản tăng trưởng của GDP nước ta trong quý IV cũng như cả năm 2022.
Kịch bản 1: Tăng trưởng kinh tế cả năm khoảng 8%, quý IV cần đạt mức tăng trưởng là 5,9%, thấp hơn Nghị quyết số 01/NQ-CP 0,3 điểm %, nhưng cao hơn tốc độ tăng của quý IV năm 2021 (5,22%).
Kịch bản 2: Tăng trưởng kinh tế cả năm khoảng 8,2%, quý IV cần đạt mức tăng trưởng là 6,6%, trong kịch bản đề ra tại Nghị quyết số 01/NQ-CP (6,2%-6,7%), tương đương mức tăng trưởng bình quân quý IV các năm 2016-2020.
Thứ trưởng phân tích, ở kịch bản thấp, dự kiến trong quý IV, đánh giá là vẫn còn nhiều khó khăn, khó đoán định.
"Bối cảnh rất khó để chúng ta có thể dự báo được một con số chính xác về kết quả đạt được trong vài tháng tới, dự báo càng dài hạn thì càng khó hơn. Chúng tôi đã đưa ra các kịch bản, phương án thấp là gặp nhiều khó khăn thì cả năm 2022, tăng trưởng đạt 7,5%", Thứ trưởng cho biết.
Cũng theo Thứ trưởng, trong các báo cáo, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tham mưu để báo cáo xin ý kiến Trung ương, cũng như xin ý kiến các cấp có thẩm quyền về các nhận định, đánh giá về bối cảnh tình hình cũng như về khả năng có thể đạt được kết quả trong năm 2022, thì có thể đưa ra nhận định GDP tăng trưởng khoảng 8%.
"Về triển vọng kinh tế 2023, qua nhận định bối cảnh tình hình 2023 vẫn là khó khăn, thách thức, thuận lợi đan xen, nhưng khó khăn thì nhiều hơn và thậm chí còn khó hơn", Thứ trưởng dự báo.
Thứ trưởng nhận định, lạm phát qua phân tích của các chuyên gia tại các diễn đàn kinh tế vừa qua có thể thấy, với các chính sách kiểm soát lạm phát mang tính cường độ rất cao của các nền kinh tế lớn, thì rất dễ dẫn tới suy thoái kinh tế. Để khắc phục tình trạng lạm phát cao dẫn đến suy thoái, thì thời gian để phục hồi, phát triển và vượt qua không hề ngắn chút nào.
Lý giải vì sao dự báo như vậy, Thứ trưởng chỉ rõ, nguyên nhân thứ nhất là vấn đề sức ép lạm phát và tăng trưởng của kinh tế thế giới trong năm 2023 là vô cùng khó khăn.
"Có thể nói rằng, vấn đề lạm phát toàn cầu, đặc biệt là lạm phát của các nền kinh tế lớn, các đối tác của Việt Nam khó có thể kết thúc trong 1-2 tháng tới, có thể kéo dài thêm và chắc chắn sẽ sang năm 2023", Thứ trưởng cho biết.
Thứ hai, theo Thứ trưởng, đó là xung đột Nga – Ukraine hiện chưa có dấu hiệu kết thúc. "Cuộc xung đột này kéo theo một vấn đề chúng ta rất lo ngại là năng lượng. Vấn đề năng lượng quyết định rất nhiều đến tăng trưởng kinh tế toàn cầu, cũng như các nước và nước ta", Thứ trưởng nói.
Thứ trưởng nêu kinh nghiệm vừa qua, khi cuộc xung đột nổ ra, Việt Nam đã rất vất vả trong điều hành giá xăng dầu cũng như lạm phát.
"Bối cảnh này khiến việc đoán định càng khó hơn là sẽ diễn biến theo chiều hướng nào cũng như cường độ, mức độ tăng giảm ra sao. Do vậy, chúng tôi dự báo đây là một nhân tố bất lợi trong năm 2023 đối với nền kinh tế nước ta. Căng thẳng này nếu đẩy lên một mức độ cao hơn nữa có thể sẽ dẫn tới các hệ lụy vô cùng khó cho an ninh năng lượng, an ninh lương thực, nguồn cung hàng hóa. Đó là vấn đề chúng ta rất lo ngại và cần phải nắm chắc tình hình để có chính sách ứng phó kịp thời", Thứ trưởng nhấn mạnh.
Và nguy cơ cuối cùng ảnh hưởng đến sự tăng trưởng kinh tế năm 2023, theo Thứ trưởng là tác động của các vấn đề nguy cơ phi truyền thống như: bão lũ, dịch bệnh...
"Với những bối cảnh trên, chúng tôi đã đưa ra một con số báo cáo với Chính phủ lựa chọn kịch bản tăng trưởng năm 2023 khoảng 6,5%", Thứ trưởng cho biết.
Tag
ĐANG HOT
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm