Thị trường hàng hóa
Trong cuộc phỏng vấn với ấn phẩm Bright của Hà Lan, Tim Cook cho biết: “Tôi nghĩ điều quan trọng nhất là mọi người phải hiểu được khái niệm mới. Tôi thực sự không chắc một người bình thường có thể hiểu Metaverse là gì”.
Không có gì ngạc nhiên khi Apple vẫn chưa công khai bất kỳ kế hoạch nào cho metaverse – một thuật ngữ được sử dụng để mô tả các nền tảng thực tế ảo (VR), nơi mọi người có thể tương tác, làm việc, mua sắm và chơi trò chơi bằng công nghệ nhập vai với tai nghe thực tế ảo.
"Tôi không phủ nhận sự hấp dẫn của thực tế ảo. Mọi người có thể sẽ đắm chìm vào nó, nhưng chắc chắn sẽ không ai muốn sống cả đời theo cách đó. Chúng ta chỉ nên dành một ít thời gian cho vũ trụ ảo. Đó không phải một không gian tốt để giao tiếp", CEO của Apple giải thích.
Nhiều tên tuổi lớn nhất trong ngành vẫn đang nỗ lực phát triển phần cứng và phần mềm cần thiết nhằm thu hút mọi người bỏ thời gian và tiền bạc cho công nghệ mới này. Tỷ phú Mark Zuckerberg là một trong những người đã đầu tư rất nhiều vào khái niệm Metaverse.
CEO Meta thể hiện tham vọng tiến vào vũ trụ ảo khi đổi tên công ty Facebook thành Meta. Khác với suy nghĩ của Tim Cook, Zuckerberg kỳ vọng trong nửa sau của thập kỳ này, Metaverse sẽ thu hút khoảng 1 tỷ người tham gia và mỗi người sẽ chi hàng trăm USD để mua sắm trong đó.
Trong khi đó, Tim Cook nhận định công nghệ AR (thực tế tăng cường) mới là thứ tạo ra một cuộc cách mạng trong tương lai. CEO Apple dự đoán: "AR sẽ là một công nghệ ảnh hưởng tới mọi thứ. Hãy tưởng tượng chúng ta có thể giảng dạy bằng AR và thể hiện các ý tưởng trong đầu theo cách đó. Hoặc ứng dụng nó trong y học. Chúng ta rồi sẽ nhìn lại và suy nghĩ về việc mình đã sống thế nào khi không có AR. Giống như ngày nay, chúng ta tự hỏi trước đây mọi người đã sống thế nào khi không có Internet".
Apple đang chế tạo một tai nghe thực tế tăng cường dự kiến ra mắt năm 2023. Tai nghe AR/VR do công ty sản xuất sẽ hoạt động với chip M2 mới nhất của Apple, khiến nó mạnh hơn tai nghe Quest của đối thủ cạnh tranh Meta.
AR (Thực tế tăng cường) là góc nhìn trực tiếp hay gián tiếp về môi trường thực tế nơi các yếu tố được "tăng cường" bởi các thông tin nhận thức do máy tính tạo ra trên nhiều phương thức cảm quan, bao gồm thị giác, thính giác, xúc giác và khứu giác. Nói một cách dễ hiểu hơn, công nghệ AR sẽ phủ lên quang cảnh thực tế một số vật thể ảo do máy tính tạo ra, khiến cho tầm nhìn tổng quan của bạn trở nên phong phú hơn. Nếu nói VR là một thế giới ảo hoàn toàn thì AR chính là thế giới kết hợp giữa thực và ảo.
Một ví dụ dễ thấy của công nghệ AR chính là game Pokemon GO. Qua việc trải nghiệm game bằng thiết bị di động, người chơi sẽ thấy những sinh vật Pokemon ảo xuất hiện đi đứng ngay trên những con đường ngoài thế giới thật.
Cùng quan điểm với Tim Cook, Evan Spiegel – CEO Snap đã gọi ý tưởng về Metaverse là “mơ hồ và mang tính giả thuyết”. Thay vào đó, ông đã thúc đẩy các kế hoạch của công ty xoay quanh công nghệ thực tế tăng cường, nơi các yếu tố ảo được xếp chồng lên thế giới thực. Vào năm 2021, Snap đã mua lại Vertebrae – một công ty tập trung vào lĩnh vực công nghệ 3D, giúp Snapchat tiếp tục phát triển các kế hoạch kích thích nhu cầu mua sắm bằng công nghệ AR.
Vào tháng 8, Snapchat đã tung ra một loạt các tính năng mua sắm tích hợp trải nghiệm thực tế tăng cường mới. Lăng kính mua sắm AR của ứng dụng này cho phép người dùng "thử" quần áo và phụ kiện từ các thương hiệu lớn như Puma, Prada, Dior,… Để “mặc thử”, người dùng chỉ cần chụp một vài bức ảnh toàn thân trong bất kỳ trang phục nào và Snapchat sẽ hiển thị hình ảnh của họ trong trang phục mới.
ĐANG HOT
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm