Thị trường hàng hóa
Theo nhiều chuyên gia, thị trường chứng khoán Việt Nam đã giảm về mức định giá hấp dẫn và điều này đang kích thích các dòng tiền "bắt đáy" với cổ phiếu của các công ty đầu ngành có lượng vốn hóa lớn. Điển hình trong đó phải kể tới khối ngoại đã đạt kỷ lục giao dịch trong tháng 11 vừa qua.
Sự phục hồi này bắt đầu sau những phiên rung lắc mạnh đầu tháng 11 khiến chỉ số VNIndex có lúc còn giảm xuống chạm ngưỡng 910 điểm. Trong 5 phiên cuối cùng của tháng 11, chỉ số VNIndex đã bật tăng trở lại, về ngưỡng cao nhất tháng, tăng tới gần 137 điểm sau khi chạm đáy tại ngưỡng 911,9 điểm trong phiên giao dịch ngày 15/11.
Chỉ trong nửa cuối tháng 11, khối ngoại đã chứng kiến khoảng thời gian mua ròng mạnh nhất trong lịch sử thị trường chứng khoán Việt Nam vài năm trở lại đây. Ước tính tổng giá trị mua ròng trong tháng 11 trên toàn thị trường đạt tới 16.911 tỷ đồng. Trong đó, lượng giao dịch của nhà đầu tư ngoại thông qua hình thức khớp lệnh lên tới 15.906 tỷ đồng. Một kỷ lục chưa từng có trên thị trường chứng khoán Việt Nam.
Nhận xét về dòng vốn mua ròng của khối ngoại trong tháng 11, ông Nguyễn Anh Khoa, Trưởng phòng Phân tích Chứng khoán Agriseco nhận định: Khối ngoại đã đẩy mạnh dòng vốn vào thị trường chứng khoán Việt Nam ở cả kênh chủ động và kênh ETF. Chỉ tính riêng kênh ETF trong tháng 11 đã thu hút tới 8.000 tỷ đồng, là mức cao nhất từng đạt được trong nhiều năm qua. Vị chuyên gia này cho rằng dòng vốn từ kênh ETF sẽ còn tăng thêm khi quỹ Fubon đang tiếp tục tăng cường giải ngân vào thị trường Việt Nam với lần bổ sung thứ 4 ước tính trị giá khoảng 160 triệu USD.
Bên cạnh đó, việc VNIndex giảm sâu tới 33% chỉ trong 3 tháng đã đưa mặt bằng định giá xuống mức P/E khoảng 9,5x và P/B khoảng 1,3x. Đây là mức định giá hấp dẫn hiếm có trong lịch sử, điều này đã kích thích dòng tiền bắt đáy tích lũy với các cổ phiếu đầu ngành, có giá trị vốn hóa lớn.
Ngược lại với khối ngoại đang có động thái mua ròng, nhà đầu tư cá nhân lại có xu hướng bán ròng mạnh.
Theo một thống kê của FiinGroup trong tháng 11 thì xu hướng bán ròng của nhà đầu tư cá nhân ghi nhận tới hơn 13.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, quy mô bán ròng chỉ khoảng 15% so với quy mô mua ròng tại vùng giá cao. Tỷ trọng này cho thấy áp lực bán ra của các nhà đầu tư cá nhân vẫn còn. Một phần nguyên nhân đến từ những tin tức về việc các lãnh đạo, cổ đông lớn liên tục bị bán giải chấp cổ phiếu trong thị trường thời gian vừa qua, gây nên sự hoảng loạn cho nhiều nhà đầu tư cá nhân.
Theo thống kê, khối lượng giao dịch các phiên gần đây đã đạt mốc trên 1 tỷ cổ phiếu, tương đương với khối lượng giao dịch từng đạt được khi thị trường ở ngưỡng 1.400 - 1500 điểm, cho thấy tâm lý bớt e dè của các nhà đầu tư cá nhân. Điều này đã giúp thị trường trở nên sôi động trở lại sau những phiên giảm sâu do ảnh hưởng của nhiều tin tức tiêu cực.
Tuy nhiên, ông Khoa cũng đánh giá rằng đà giảm trong thời gian vừa qua cho thấy sự bất ổn trong tâm lý của thị trường. Và thị trường chỉ có thể thực sự ổn định trở lại nếu các nhà đầu tư cá nhân có thể tham gia giải ngân trở lại trong nửa cuối tháng 12.
Như vậy, có thể thấy rằng sự "giải cứu" đến từ dòng tiền khối ngoại đã tạo nên những phiên bật tăng trở lại trong cuối tháng 11 vừa qua. Tuy nhiên, vẫn còn đâu đó tâm lý e ngại trong giới đầu tư, bất chấp nhận định của nhiều chuyên gia cho rằng thị trường đang ở mức định giá hấp dẫn nhất trong nhiều năm trở lại đây.
Tag
ĐANG HOT
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm