Thị trường hàng hóa
Theo Văn phòng Nghiên cứu Tài chính của Bộ Tài chính Mỹ (OFR), thước đo mức độ căng thẳng trên các thị trường của Mỹ đã tăng lên mức cao nhất kể từ đợt sụt giảm do đại dịch Covid-19 hồi tháng 5/2020. Các điều kiện giao dịch trái phiếu Chính phủ Mỹ, trái phiếu doanh nghiệp ngày càng gặp thách thức.
Những quan ngại ngày một gia tăng là do một loạt các đợt tăng lãi suất lớn của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) nhằm kiềm chế lạm phát. Chi phí đi vay cao hơn và lo ngại về suy thoái kinh tế đã dẫn đến việc bán tháo mạnh trên thị trường, đồng thời củng cố đồng USD trong khi nhiều đồng tiền khác gặp bất lợi.
Tại Anh, lãi suất trái phiếu chính phủ đã tăng và giá trị đồng bảng giảm, khiến Bộ Tài chính và Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) phải đưa ra các tuyên bố nhằm xoa dịu thị trường. Tại Nhật Bản, lần đầu tiên kể từ năm 1998, chính phủ đã can thiệp vào thị trường ngoại hối để ngăn chặn đà giảm của đồng yen Nhật Bản.
Đồng thời, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) đã yêu cầu tăng dự trữ bắt buộc đối với các giao dịch ngoại hối nhằm hạn chế dòng tiền chảy ra. Chiến lược gia Charlie McElligott tại Nomura cho biết vận tốc sụp đổ của mọi thứ trên khắp thế giới rõ ràng là một sự kiện “thiên nga neon” (Thiên nga đen).
Giới đầu tư thường sẽ dự đoán xu hướng tương lai dựa vào lịch sử giá trong quá khứ. Tuy nhiên, vẫn có những sự kiện khi xuất hiện sẽ làm thị trường biến động mạnh mẽ khiến các nhà đầu tư không thể lường trước được điều gì. Sự kiện này sẽ làm chao đảo mọi thứ, gây thiệt hại lớn cho nền kinh tế đất nước và đây được gọi là hiện tượng “thiên nga đen”.
Các đợt biến động tiêu cực đang diễn ra ở mức độ lớn khiến các nhà đầu tư cho rằng đây là những dấu hiệu bình thường của thị trường gấu và một cuộc suy thoái sắp tới. Tuy nhiên, theo chuyên gia tại The Economist, các sự kiện đó đang đánh dấu sự xuất hiện của một chế độ mới trong nền kinh tế thế giới - một sự thay đổi dựa trên sự trỗi dậy của chủ nghĩa Keynes (cần có sự can thiệp của chính phủ để ổn định nền kinh tế).
Kỷ nguyên mới này hứa hẹn các nền kinh tế giàu có có thể thoát khỏi bẫy tăng trưởng thấp từ sau năm 2010 và giải quyết các vấn đề lớn như già hóa và biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, nó cũng mang đến những nguy hiểm cấp tính, từ hỗn loạn tài chính đến sự sụp đổ của các Ngân hàng Trung ương và chi tiêu công mất kiểm soát.
Đối với nhà đầu tư đang chịu ảnh hưởng nặng nề bởi lạm phát, năm 2022 là một năm không mấy tốt đẹp. Tính theo đồng USD, cổ phiếu toàn cầu đã giảm 25% trong năm nay, mức thấp nhất kể từ những năm 1980.
Các chuyên gia cho rằng, trật tự thế giới đang không hoạt động khi toàn cầu hóa đi vào thoái trào và hệ thống năng lượng bị rạn nứt sau cuộc ảnh hưởng của các cuộc xung đột địa chính trị. Tất cả diễn biến này đánh dấu sự kết thúc cho thời đại kinh tế yên bình từ những năm 2010.
Bởi sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2007-2009, hoạt động của các nền kinh tế phát triển đã tạo nên giả định một mô hình yếu ớt. Vào những thời điểm đó, tăng trưởng kinh tế chậm chạp và lạm phát duy trì ở mức thấp. Các Ngân hàng Trung ương đã giữ lãi suất ở mức thấp nhất và mua khối lượng trái phiếu khổng lồ bất cứ khi nào nền kinh tế có dấu hiệu rối ren và mở rộng phạm vi tiếp cận sâu hơn nữa vào nền kinh tế.
Năm 2020, ảnh hưởng của đại dịch đã góp phần dẫn đến tình trạng lạm phát cao như ngày nay. Các chính phủ thực hiện nhiều gói kích thích và cứu trợ mạnh mẽ, mô hình nhu cầu từ tiêu dùng thay đổi và chuỗi cung ứng trở nên rối loạn bởi các biện pháp phong tỏa.
Một sự thay đổi lớn so với những năm 2010 là sự gia tăng cơ cấu trong chi tiêu và đầu tư của chính phủ đang diễn ra. Những công dân lớn tuổi sẽ cần được chăm sóc sức khỏe nhiều hơn.
Biến đổi khí hậu và nhiệm vụ đảm bảo an ninh sẽ thúc đẩy đầu tư của chính phủ các nước vào năng lượng, từ cơ sở hạ tầng tái tạo đến các cơ sở khí đốt. Và căng thẳng địa chính trị đang khiến các chính phủ chi tiêu nhiều hơn cho chính sách công nghiệp.
Tuy nhiên, ngay cả khi đầu tư tăng, nhân khẩu học sẽ đè nặng hơn bao giờ hết lên các nền kinh tế giàu có. Khi dân số già đi, họ tiết kiệm nhiều hơn, số tiền tiết kiệm dư thừa này sẽ tiếp tục tác động làm giảm lãi suất thực cơ bản.
Do đó, xu hướng cơ bản trong những năm 2020 - 2030 là chính phủ sẽ chi tiêu lớn hơn nhưng lãi suất thực tế vẫn thấp. Trong thế giới mới với chi tiêu chính phủ cao, lạm phát cao hơn một chút sẽ có lợi thế.
Trong ngắn hạn, điều đó có nghĩa là một cuộc suy thoái ít nghiêm trọng hơn hoặc không có suy thoái. Về lâu dài, điều đó có nghĩa là các Ngân hàng Trung ương có nhiều cơ hội hơn để cắt giảm lãi suất trong thời kỳ suy thoái, giảm nhu cầu mua trái phiếu và cứu trợ bất cứ khi nào có sai lệch.
Tag
ĐANG HOT
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm