Thị trường hàng hóa
Trong ánh sáng rực rỡ của buổi sáng sớm, biển Caribe lung linh một màu hồng ảo giác trong các vùng nước nông hình thành dọc theo rìa phía đông của Đảo Margarita, Venezuela. Đối với người ngoài, màu biển hồng này có vẻ siêu thực, nhưng đối với những người dân địa phương nghèo khó, điều đó có nghĩa là “có tiền”.
Các vùng nước nông bao phủ các bãi muối đã hình thành từ nhiều thế kỷ trước, và nước càng hồng thì mật độ muối biển càng cao.
Vì vậy, những người dân nghèo này thường đến sớm, đẩy những chiếc xe cút kít tạm bợ, kéo theo những chiếc cào, xẻng và bắt đầu miệt mài với một nghề thủ công mệt nhọc với phương pháp công nghệ thấp mà tổ tiên của họ đã làm quen tay.
Họ đi chân trần lội xuống biển, rón rén dùng ngón chân để mò tìm các cạnh lởm chởm của các tinh thể muối, cào các hạt muối này lên, xúc chúng vào xe cút kít và đẩy chúng lên bờ, nơi muối xếp thành những gò muối nhỏ màu hồng, gọn gàng. Họ phơi muối dưới ánh nắng mặt trời trong một tuần hoặc lâu hơn cho đến khi nó chuyển sang màu trắng và sau đó bán cho ngư dân, thợ làm pho mát và người bán buôn. Giá muối được bán khoảng 0,02 USD mỗi pound (khoảng 0,45kg).
Công việc này hoàn toàn mới đối với Margaritenos. Từ lâu như bất cứ ai có thể nhớ nổi, các vùng nước nông này chỉ được dùng như một sân chơi cho những đứa trẻ sống trong khu ổ chuột gần đó có tên Barrio Pescadores. Bây giờ những đứa trẻ vẫn ở “sân chơi” đó, nhưng đang giúp cha mẹ hoặc ông bà của chúng khai thác muối.
Do đó, ở khu vực lao động này, có đủ những người từ 5 tuổi đến 75 tuổi. Nhưng hầu hết trong số họ ở độ tuổi 50 - 60, những người giống như hàng triệu người Venezuela khác, đã rơi vào cảnh nghèo đói cùng cực bởi sự sụp đổ kinh tế trong thập kỷ qua và đã bị loại khỏi sự phục hồi non trẻ vốn được giữ trong túi của những người giàu có hơn trong quốc gia.
Những người đau khổ như vậy, có thể kể đến ông Jose Gutierrez. Từng là quản lý một cửa hàng tạp hóa, nhưng lần đầu tiên ông đi làm tại các ruộng muối là cách đây vài năm để kiếm thêm thu nhập. Gutierrez là một trong số ít thợ làm muối hồi đó. Nhưng hiện tại, có hàng trăm người làm việc tại ruộng muối giống ông.
Khi đại dịch khiến mọi thứ bị phong toả vào năm 2020 và cửa hàng tạp hóa buộc phải đóng cửa, hoạt động khai thác muối trở thành công việc toàn thời gian của ông Gutierrez. Ông nhận lương hưu hàng tháng bằng đồng bolivar nhưng siêu lạm phát đã phá hủy giá trị của nó.
Khi được chuyển đổi thành đồng đô-la, đơn vị tiền tệ thực tế trên đảo và trên khắp Venezuela ngày nay, lương hưu của ông chỉ còn 15 USD. Trong khi nếu thuận lợi làm việc tại ruộng muối trong 1 tháng, ông có thể bỏ túi 500 USD. Con số đó nhiều hơn những gì ông kiếm được ở cửa hàng tạp hóa.
Nhưng không có gì dễ dàng cả. Tay chân ông chai sạn. Vai và đầu gối đau nhức. Trong khi cơ thể mất nước trầm trọng khi mặt trời lên cao và nhiệt độ tăng cao.
Để đánh bại cái nóng, Gutierrez là một trong những người đầu tiên đến ruộng muối trước bình minh. Vào những ngày này, ông lội xuống nước biển lúc 4 giờ sáng và 6 giờ đồng hồ sau mới xong việc để lên bờ. Ông sẽ quay trở lại vào cuối buổi chiều và sẽ làm thêm vài giờ đồng hồ nữa cho đến khi mặt trời lặn.
Ông Gutierrez nói: “Trước đây không ai để ý đến những vùng nước này. Nhưng đó là những gì chúng tôi thực sự cần. Những người không thu thập muối ở đây sẽ đói”.
Tag
ĐANG HOT
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm