Thị trường hàng hóa
Để phát triển các sản phẩm theo hướng đa dạng hóa và mang tính đổi mới hơn, các điểm du lịch tại Hà Nội đã nghiên cứu và ứng dụng khá tốt các nền tảng công nghệ số trong khai thác và vận hành các hoạt động du lịch.
Cụ thể như, gần đây, fanpage "Không gian văn hóa Quốc Tử Giám xưa" đã được thiết lập với nhiều hình ảnh sinh động giới thiệu về lịch sử thi cử, khoa bảng ngày xưa; cũng như những hiện vật đang trưng bày. Đây là hoạt động mới để tương tác với nhiều người dùng trên mạng xã hội của Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám.
Theo đại diện cơ quan quản lý của điểm di tích Văn Miếu Quốc Tử Giám, trong thời đại 4.0, Hà Nội xác định phát triển du lịch thông minh gắn với việc bảo tồn tại di tích. Theo đó, điểm di tích Văn Miếu Quốc Tử Giám xây dựng cơ sở dữ liệu (CSDL) 3D, số hóa thông tin di tích, hệ thống bia Tiến sĩ, cây xanh, cùng các công trình kiến trúc khác. Việc xây dựng CSDL mục tiêu lâu dài là bảo tồn nhưng đây cũng là cơ sở để xây dựng thành các sản phẩm phát triển du lịch.
Bên cạnh đó, dự án cũng đề xuất ý tưởng công nghệ để bán vé tham quan trước qua mạng và thực soát vé tự động để hạn chế tiếp xúc trực tiếp. Công nghệ này không những góp phần lan tỏa giá trị di sản mà còn đáp ứng nhu cầu của du khách, đặc biệt là chuẩn bị cho việc đón khách quốc tế.
Cũng áp dụng công nghệ vào hoạt động, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội cũng tổ chức triển lãm, trưng bày trực tuyến tại trang web: trungbayonline.hoangthanhthanglong.vn và giới thiệu các tour tham quan ảo 360o về các triều đại gắn với Hoàng thành Thăng Long, các di tích lịch sử tiêu biểu tại đây và các sự kiện lớn của đất nước. Theo đánh giá chung của cơ quản lý điểm di tích này, phương thức trên bước đầu được khá nhiều du khách quan tâm, truy cập vào trang trưng bày trực tuyến để tìm hiểu các cuộc trưng bày, tìm hiểu về di sản Hoàng thành Thăng Long trong thời gian này.
Một số đơn vị quản lý di tích cũng áp dụng công nghệ số phục vụ khách du lịch như: Ban quản lý Phố cổ Hà Nội xây dựng các app (ứng dụng) du lịch giới thiệu các điểm tham quan, khu di tích và hiện vật nhằm giúp du khách tiếp nhận thông tin một cách chủ động. Làng cổ Bát Tràng (huyện Gia Lâm) là làng nghề đầu tiên Hà Nội ứng dụng công nghệ VR 3D (thực tế ảo) giúp du khách tham quan làng nghề và hòa mình vào lễ hội làng với đầy đủ các phong tục, nghi lễ truyền thống thông qua trải nghiệm không gian ảo 3D,…
Mặc dù việc áp dụng công nghệ vào du lịch bước đầu cho thấy hiệu quả, song công tác này vẫn còn nhiều bất cập trong thực tế. Đã có nhiều văn bản pháp quy về đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông với phát triển kinh tế - xã hội nói chung, phát triển du lịch nói riêng, nhưng đến nay vẫn chưa có văn bản cụ thể quy định hay hướng dẫn cụ thể về cách thức triển khai ứng dụng công nghệ số trong phát triển du lịch. Trên thực tiễn, mức độ sẵn sàng về công nghệ để phát triển du lịch nhìn chung còn chưa cao.
Trong thời gian qua, lực lượng nhân lực du lịch Hà Nội có khả năng ứng dụng, triển khai công nghệ số trong vận hành và phát triển hoạt động du lịch luôn bị thiếu hụt rất lớn, cả về số lượng và chất lượng. Sự tiếp cận của doanh nghiệp với công nghệ số trong phát triển du lịch còn yếu.
Để thúc đẩy phát triển du lịch Hà Nội trong thời đại 4.0, Hà Nội cần xác định các định hướng phù hợp về ứng dụng công nghệ số, từ đó nâng cao hiệu quả phát triển du lịch.
Cụ thể, Hà Nội cần xây dựng, hoàn thiện các thể chế, pháp luật, chính sách nhằm tạo khuôn khổ cho phát triển kinh tế số, đây là cơ sở quan trọng để đảm bảo sự thành công của việc ứng dụng công nghệ số trong phát triển du lịch.
Thành phố cũng cần xác định và nhận diện đầy đủ những lĩnh vực quan trọng, cốt lõi về công nghệ số trong ngành Du lịch, để từ đó nắm bắt và làm chủ như lĩnh vực dữ liệu số, vật liệu thông minh, robot thế hệ mới, trí tuệ nhân tạo AI, phương tiện thông minh, năng lượng thông minh,… để có giải pháp chính sách hợp lý trong ứng dụng và phát triển. Cả chính phủ và khu vực tư nhân đều cần phải nỗ lực đầu tư nâng cấp hạ tầng kỹ thuật số cũng như các giải pháp công nghệ số hiện đại để triển khai ứng dụng số kết nối thông minh, đẩy nhanh ứng dụng thanh toán không dùng tiền mặt, hiệu quả hóa chính phủ điện tử, góp phần thúc đẩy và tăng cường hiệu quả của ứng dụng công nghệ số trong phát triển du lịch Hà Nội.
Ngoài ra, cơ quan chức năng cần có chính sách tăng cường nhận thức của người dân và doanh nghiệp về kinh tế số, các lợi ích và thách thức đi kèm, với các nội dung và hướng dẫn cụ thể. Cần khuyến khích thúc đẩy các bên liên quan tham gia chiến lược chuyển đổi số du lịch quốc gia với sự tham gia của nhiều địa phương, ngành nghề, lĩnh vực liên quan.
Trong thời gian tới, ngành Du lịch nên tối ưu công tác xúc tiến quảng bá và mở rộng thị trường dựa trên những tiến bộ công nghệ thông tin và nền tảng internet, mạng xã hội.
Tag
ĐANG HOT
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm