Thị trường hàng hóa
Dựa trên Báo cáo về thị trường IT Việt Nam 2021 của TopDev, năm 2021 Việt Nam cần đến 450.000 nhân lực trong ngành CNTT. Trong khi đó, số lượng lập trình viên hiện tại của Việt Nam mới chỉ đạt khoảng 430.000 người.
Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, nhóm ngành CNTT đứng top 2 trong số những ngành học được nhiều thí sinh THPT lựa chọn nhất trong kỳ tuyển sinh THPT năm 2021, với 336.001 nguyện vọng đăng ký (trong khi chỉ lấy 49.582 chỉ tiêu). Điều này chứng minh độ “hot” của ngành học thời đại này, cùng thực tế tỷ lệ thí sinh mong muốn được học tập và làm việc trong ngành CNTT là rất cao.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy rất nhiều thí sinh vẫn còn rất mông lung, không hiểu biết về ngành CNTT mà chỉ đăng ký theo hiệu ứng “đám đông”, chọn ngành “hot”, lương cao để học. Bên cạnh đó nhiều em tỏ ra băn khoăn, không biết sau vài năm khi học xong ra trường, ngành CNTT còn nhiều việc làm không vì hiện số lượng người theo học ngành này khá lớn.
TS Hoàng Công Dụng, Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ đào tạo và Cung ứng nhân lực (Bộ GD&ĐT) nhấn mạnh: Đây là ngành học có cơ hội phát triển, thăng tiến cùng mức lương hấp dẫn. Đặc biệt trong những thời kỳ khủng hoảng như đại dịch Covid-19, nguy cơ chiến tranh hay biến đổi khí hậu, ngành nghề này lại càng khẳng định vai trò và tầm quan trọng của mình.
Cụ thể trong các ngành ứng dụng CNTT tại Việt Nam hiện nay, Thông tin và truyền thông đang là ngành có nhu cầu cao nhất về nhân lực CNTT, chiếm tới khoảng 25% tổng nhân lực CNTT; tiếp đến là ngành Giáo dục và đào tạo, chiếm khoảng 12-13% tổng nhân lực CNTT.
Để thí sinh hiểu rõ hơn về con đường học ngành CNTT, TS Trần Văn Tính, Trưởng bộ môn Giáo dục và Phát triển con người thuộc Trường Đại học Giáo dục - Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng CNTT như một “ngành học thời thượng”, khi đồng thời có được sự quan tâm, tìm hiểu từ hàng trăm nghìn thí sinh, sinh viên, cùng với đó cũng là mối quan tâm hàng đầu của Quốc gia trong những năm sắp tới. CNTT là ngành nghề được ưu tiên phát triển nhất trong thế kỷ 21, không chỉ tại Việt Nam mà là trên toàn thế giới.
Ths Cao Quảng Tư, Giám đốc Tuyển sinh Trường ĐH Quốc tế Sài Gòn chia sẻ: CNTT là nhóm ngành đang có xu hướng phát triển và nhu cầu nhân lực rất cao và luôn nằm trong top đầu những ngành có lương và thu nhập cao. Tuy nhiên, không phải ai cũng học tốt CNTT và sinh viên phải có tư duy toán học, tư duy logic tốt. Thí sinh cần tỉnh táo khi lựa chọn học CNTT, nếu học lực môn toán trung bình, thí sinh nên cân nhắc.
Đồng thời theo ông Tư, hiện Việt Nam có hơn 100 trường ĐH đào tạo CNTT. Mỗi năm các trường chỉ cung cấp 50.000 kỹ sư trong khi dự kiến thị trường đang thiếu 190.000 nhân lực cho lĩnh vực CNTT và dự kiến trong 10 năm tới vẫn rất “hot”.
Ths Phạm Doãn nguyên, Giám đốc Trung tâm tư vấn tuyển sinh Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TP. Hồ Chí minh lưu ý, mức lương trung bình cho một sinh viên CNTT mới tốt nghiệp là từ 9-12 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, trong xu hướng phát triển hiện nay, các ngành đều sẽ có sự thay đổi và sự chênh lệch của mức thu nhập ở nhóm ngành này là khá xa nên sẽ phụ thuộc vào năng lực cá nhân.
Giám đốc một công ty chuyên về tài chính tại Hà Nội cho biết, để tuyển dụng một nhân sự CNTT chất lượng cao là rất khó khăn, nhiều khi đưa ra mức lương cao cũng không tìm được người thích hợp. Do đó, công ty đã phải chuyển hướng sang những sinh viên mới ra trường, hoặc nhân sự có trình độ thấp hơn trong lĩnh vực mình mong muốn nhưng hầu hết đều cần quãng thời gian 3-6 tháng để đào tạo lại mới có thể bắt tay vào công việc.
Nhìn nhận về vấn đề trên, ông Nguyễn Thành Nam, nhà sáng lập của Tổ chức Giáo dục trực tuyến FUNiX nhận định, hiện tại các đơn vị đào tạo chính thống về CNTT mới đang chỉ cung cấp được khoảng 40% nhu cầu của thị trường. Sự hợp tác giữa doanh nghiệp và các đơn vị đào tạo là hướng đi cần thiết để lấp đầy số lượng nhân sự đang thiếu, đặc biệt là nhân sự chất lượng cao.
Ông Vũ Quang Thành, Phó giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội chia sẻ: Nhân lực CNTT đóng vai trò quan trọng trong quá trình chuyển đổi số, đặc biệt từ sau dịch Covid-19, các DN đều phải đầu tư vào nền tảng công nghệ, nhu cầu nhân lực trong ngành này chưa bao giờ giảm nhiệt. Ngoài trang bị những kiến thức cơ bản, để đáp ứng yêu cầu của các nhà tuyển dụng, các trường cần cập nhật thêm các kiến thức mới, đào tạo các ngành nghề làm chủ công nghệ lõi như trí tuệ nhân tạo AI, Big Data, Blockchain… Còn sinh viên, cần trang bị thêm kỹ năng làm việc nhóm và tiếng Anh.
Ông Nguyễn Hồng Dân, Phó giám đốc Sở LĐ-TB&XH Hà Nội cho biết, đánh giá sơ bộ của Sở LĐ-TB&XH cho thấy tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp có ứng dụng, sử dụng CNTT từ sau dịch Covid-19 lần 2 có xu hướng tăng mạnh. Hiện nay, rất nhiều doanh nghiệp lớn, tập đoàn lớn sử dụng ứng dụng CNTT đang có nhu cầu tuyển dụng nhân lực.
Tag
ĐANG HOT
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đọc thêm